Việc các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ không còn là vấn đề mới mẻ. Nhưng các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi chồng chất, kéo dài từ năm này sang năm khác đang thực sự trở thành khối u nhọt cho cả nền kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, 127 TĐ, TCT và các công ty mẹ - con chiếm tổng tài sản gần 2,5 triệu tỉ đồng nhưng nợ phải trả lên tới gần 1,35 triệu tỉ đồng (chiếm hơn 50% tổng tài sản). Theo quy định hiện hành, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp (DN) không quá 3 lần là tỷ lệ an toàn nhưng có tới 48 TĐ, TCT đã vượt trên mức này và ở mức báo động cao. Cụ thể, TCT lắp máy (Lilama) 53,19 lần, TCT xây dựng Bạch Đằng 20,97 lần, TCT xây dựng giao thông 1 (Cienco1) 18,41 lần…
Kiểm toán Nhà nước gần đây cũng công bố kết quả kiểm toán 2013, trong đó chỉ rõ: "Nhiều TĐ, TCT thu nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn. Một số khoản tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số lớn chưa được thu hồi; một số khoản nợ trong nội bộ TĐ, giữa các TĐ với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm…".
Cụ thể, về các khoản nợ quá hạn, TCT điện lực dầu khí (trực thuộc TĐ dầu khí - PVN) dẫn đầu với 9.650 tỉ đồng. Tiếp đến là công ty mẹ của TĐ bưu chính viễn thông (VNPT) 2.314 tỉ đồng, TCT xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) hơn 558 tỉ đồng, TCT lắp máy Việt Nam (Lilama) 482,4 tỉ đồng, Công ty mẹ TĐ than khoáng sản (TKV) 325 tỉ đồng, TĐ dệt may (Vinatex) 36,5 tỉ đồng…
Nguyên nhân nảy sinh các khoản nợ trên do các TĐ, TCT huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa kinh doanh, lập nhiều công ty con, công ty liên kết trong nhiều lĩnh vực... nhưng lại hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, quá trình xử lý nợ diễn ra chậm trễ, giải pháp xử lý cơ cấu lại nợ chưa thực sự đủ mạnh. Ngay trong kết luận của kiểm toán cũng chỉ rõ, các TĐ, TCT hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, vốn chiếm dụng nên hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu quá cao.
TĐ Dệt may đang nợ quá hạn 36,5 tỷ đồng
Trốn tránh trách nhiệm
Trong lộ trình tái cơ cấu lại các DN nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 206 "Về quản lý nợ của DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ". Nghị định nêu rõ, các DN có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ (bao gồm nợ phải thu, nợ phải trả), xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc thu hồi, thanh toán các khoản nợ; sau 90 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành (1/2/2014), tức 1/5/2014 phải ban hành.
Tuy nhiên, đến nay dù đã chậm hơn khoảng 4 tháng nhưng vẫn còn một loạt các TĐ, TCT phớt lờ chỉ đạo trên. Mới đây, ngày 21/8 Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đã phải trực tiếp báo cáo Chính phủ sự chậm trễ này. Đối với Quy chế quản lý nợ, có tới 30 TĐ, TCT chưa ban hành, trong đó bao gồm nhiều đơn vị vốn có nợ phải thu, nợ khó đòi lớn được Kiểm toán Nhà nước "chỉ mặt đặt tên" như TCT hàng không, TCT hàng hải (Vinalines), TCT cơ khí xây dựng, TCT công nghiệp xi măng VN; TĐ dệt may, TCT xăng dầu quân đội, TCT đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng), TCT xây dựng Trường Sơn, TCT Tân Cảng Sài Gòn...
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho biết, việc các DN chậm trễ ban hành quy chế quản lý nợ là do lo ngại tình trạng "cháy nhà ra mặt chuột". Bởi quy chế này yêu cầu làm rõ các khoản nợ phải thu, nợ phải trả cũng như trách nhiệm của từng người có liên quan. "Nợ quá hạn, nợ khó đòi của các DN nhà nước cao như vậy rất đáng lo ngại. Nhưng cái đáng lo hơn là tính kỷ cương, nghiêm minh của pháp luật không được thực thi. Họ không thực hiện chỉ đạo do sợ lộ ra các khoản nợ, thua lỗ, thất thoát vốn. Từ đó cố tình kéo dài để né tránh trách nhiệm", ông Long nhận xét.
Ngày 6/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tất cả các bộ, ngành và TĐ, TCT ngay trong tháng 10 này phải hoàn thành báo cáo, Quy chế quản lý nợ. TS Ngô Trí Long đề nghị, quy định đã rõ ràng như vậy thì cần xử lý một cách nghiêm minh, không thể để tình trạng "trên bảo dưới không nghe". Tổ chức nào, cá nhân nào cố tình phớt lờ chỉ đạo phải bị kỷ luật, đối với lãnh đạo của TĐ, TCT phải bị miễn nhiệm. "Lâu nay, tính kỷ luật của các TĐ, TCT rất lỏng lẻo do cán bộ còn nể nang nhau nên khó xử lý. Quy định có rồi thì phải làm thật mạnh, thật công khai minh bạch, chứ không phải nói ra rồi lại để đó thì hòa cả làng", ông Long nhấn mạnh.
Quốc Hưng (Tổng hợp)