Doanh nghiệp được gì sau điều chỉnh tỷ giá

(Kinhdoanhnet) – Cách điều chỉnh tăng tỷ giá 1% của NHNN vừa qua một cách công khai, minh bạch là phù hợp với diễn biến thị trường, giúp các DN sản xuất kinh doanh trong nước giảm bớt khó khăn về tài chính.

NHNN điều chỉnh tỷ giá với nhiều mục đích, trong đó có hỗ trợ xuất khẩu. Xét về cung - cầu ngoại tệ, đây là thời điểm thuận lợi để NHNN giữ ổn định tỷ giá khi dự trữ ngoại hối lớn, nền kinh tế đang xuất siêu, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng, kiều hối chảy về nhiều...

Nói cách khác, NHNN không hề chịu áp lực tăng tỷ giá, họ không thiếu ngoại tệ. Ngược lại, tăng tỷ giá góp phần hỗ trợ kịp thời để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho, vì đây là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu đang chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch năm,

Tóm lại, tỷ giá được điều chỉnh trong biên độ đã định với lý do chính đáng, nên không phải lo lắng rồi mua "đô", mua vàng và tự đẩy mình vào bẫy tâm lý đầy rủi ro.

Tăng tỷ giá có thể tác động hai mặt tới nền kinh tế, bên cạnh việc hỗ trợ xuất khẩu thì cũng sẽ tác động tới nhập khẩu, bởi hiện nay một phần không nhỏ nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, về cục diện thì xuất khẩu vẫn sẽ hưởng lợi nhiều hơn bởi nếu theo đà tăng trưởng xuất nhập khẩu của 5 tháng qua, Việt Nam vẫn đang ở trạng thái xuất siêu. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định: Với những doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đặc biệt là khối FDI, do triển vọng các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật vẫn khá tích cực, nên việc tăng chi phí đầu vào do tỷ giá điều chỉnh cũng có thể được bù đắp bởi tăng giá đầu ra.

Doanh nghiệp được gì sau điều chỉnh tỷ giá - Ảnh 1

Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản XNK Côn Đảo (Coimex), ông Lê Văn Kháng,  cho biết: Công ty Coimex chuyên sản xuất chế biến mặt hàng chả cá surimi xuất khẩu. Bình quân mỗi năm, công ty xuất khẩu hơn 20 ngàn tấn surimi, kim ngạch khoảng 40 triệu USD. Công ty luôn chủ động đầu ra cho sản phẩm và sử dụng 100% nguyên liệu trong nước để sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu. Nhờ vậy, mỗi khi tỷ giá VND/USD tăng, doanh thu của công ty cũng tăng lên theo giá trị kim ngạch xuất khẩu của các hợp đồng ký kết trước đây với đối tác nước ngoài.

Hoạt động xuất khẩu CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT) chiếm 85-90% doanh thu của công ty, trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu mua trong nước. Dựa trên mức điều chỉnh tỷ giá, ước tính GDT được hưởng lợi gần 2,2 tỷ đồng.

Như vậy, mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu của chính sách tỷ giá vừa qua đã được DN đồng tình, nó có thể là "liều thuốc" hâm nóng hoạt động sản xuất và xuất khẩu những tháng tới, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối.

Các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) thì cho rằng, ngành thép, doanh nghiệp dệt may như TCM sẽ gặp tiêu cực tùy mức độ, còn doanh nghiệp xuất khẩu hàng gia dụng như GDT, ngành thủy sản, cao su và khai khoáng có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu cao sẽ được hưởng lợi.

Ngành thép với nhu cầu nhập khẩu nguyên lớn hàng năm được đánh giá là chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp lớn trong ngành thép là HPG và HSG với nguồn nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu HRC và phôi thép cho biết tác động sẽ không đáng kể.

Theo 2 doanh nghiệp này, việc dự trù tăng tỷ giá đã được tính toán trước trong kế hoạch năm nay với mức độ dự báo điều chỉnh tỷ giá là cao hơn 1%. Do đó biến động về tỷ giá lần này không mang yếu tố bất ngờ và chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lợi nhuận của công ty.

Trong quý I/2014 sản lượng tiêu thụ ống thép của Hòa Phát tăng 30% so với cùng kỳ và công ty cũng tiêu thụ được hơn 40.000 tấn phôi (trong đó khoảng 1/2 là xuất khẩu). HPG đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phôi ra nước ngoài với thị trường chính là các nước ở khu vực ASEAN (chủ yếu là Philippines) với sản lượng phôi xuất khẩu bình quân khoảng 20.000 tấn/tháng...

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cầu tiêu thụ thép cho thấy sự cải thiện trong những tháng đầu mùa xây dựng với đỉnh điểm tiêu thụ trong tháng 3 và 4. Tuy nhiên, mức cải thiện nhìn chung chưa nhiều, đặc biệt là đối với mặt hàng thép xây dựng. Do vậy, dự kiến doanh thu của ngành thép trong năm 2014 sẽ chỉ tăng 2-3% so với năm 2013.

Theo các chuyên gia, trong môi trường kinh tế, khi lòng tin chưa thực sự cao, nếu điều chỉnh tỷ giá mà không đi kèm với các thông tin minh bạch với các thông số quan trọng như dự trữ ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế… thì có thể gây kích hoạt thị trường, người dân sẽ lo lắng về vị thế đồng nội tệ và vòng xoáy lạm phát có thể quay trở lại.

Theo góc độ vĩ mô, lạm phát đang ở mức thấp và tổng cầu yếu, nên có dư địa để điều chỉnh tỷ giá mà vừa không gây ra bất ổn, lại góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Vậy nên, cách điều chỉnh tăng tỷ giá 1% của NHNN vừa qua một cách công khai, minh bạch là phù hợp với diễn biến thị trường. Qua đó, giúp các DN sản xuất kinh doanh trong nước giảm bớt khó khăn về tài chính, khuyến khích phát triển hoạt động xuất khẩu thu ngoại tệ cho đất nước và giảm nhập siêu, góp phần thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Nói chung, việc điều chỉnh tỷ giá đôi khi cũng là tín hiệu tích cực nhưng thông thường biến động tỷ giá luôn có tác động 2 chiều đến kết quả kinh doanh của DN.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục