Doanh nghiệp “chết” ngày càng nhiều

(Kinhdoanhnet) – Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký lại cho con số là 33.454 doanh nghiệp, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2014, cả nước có 6.087 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 57,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 89,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 6.369 doanh nghiệp, giảm 5,1% so với tháng 5 năm 2014, bao gồm: 966 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký; 4.554 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký và 849 doanh nghiệp giải thể.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 37.315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập và tăng 19,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, đến hết tháng 5/2014, có 6.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký hơn 33.200 tỷ đồng. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 5.372, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Doanh  nghiệp “chết” ngày càng nhiều - Ảnh 1

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, bên cạnh tác động của khó khăn nền kinh tế, nguyên nhân của thực tế trên còn do các cơ chế, chính sách của thành phố hiện vẫn còn nhiều hạn chế, cần rà soát, khắc phục ngay.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực đất đai, các chính sách hiện vẫn hạn chế doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp do chi phí thuê đất quá cao; cần kiến nghị đưa về mức thuê đất thấp nhất. Các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch vừa qua tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, cần lưu ý các chính sách mở rộng thị trường, tăng sức mua.

Đặc biệt, thị trường bất động sản chuyển biến chưa mạnh; căn hộ cao cấp tồn kho nhiều, sức mua chậm…

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh trách nhiệm từ các cơ quan hành chính, doanh nghiệp chưa quyết liệt, chưa tận dụng được các chính sách tháo gỡ của thành phố.

Riêng thị trường bất động sản, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế chính sách "mạnh" để tái định cư bằng nhà và bằng đất; hỗ trợ tín dụng để bảo lãnh cho vay...

Mặt khác, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các sở ngành tới đây phải tiếp tục giao ban định kỳ, chia nhỏ các lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục