Doanh nghiệp cần đổi mới để tiếp cận vốn

(Kinhdoanhnet) – Các doanh nghiệp cần phải tự đổi mới chính mình, tập trung đầu tư cốt lõi, rút ngắn và đồng bộ chu trình cung ứng nguyên liệu - sản xuất - bán hàng giảm tồn kho để có thể tiếp cận tốt hơn với vốn của các ngân hàng.

Vài năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên một cách chóng mặt nếu như trước đây chỉ có khoảng 30-40 nghìn doanh nghiệp, thì giờ đây con số này đã lên tới gần 600 nghìn DN, chiếm gần 97% tổng số DN của cả nước. Loại hình doanh nghiệp này đã và đang có vị trí ngày càng quan trọng , trở thành xương sống của nền kinh tế, ổn định xã hội.

Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay việc tiếp cận với vốn của các doanh nghiệp này còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.

Theo thống kê, hiện nay chỉ có khoảng hơn 32% doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng, có hơn 35% khó tiếp cận, các doanh nghiệp còn lại không thể tiếp cận được với vốn ngân hàng bởi nhiều nguyên nhân.

Doanh nghiệp cần đổi mới để tiếp cận vốn - Ảnh 1
Doanh nghiệp cần đổi mới để tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp cũng thừa nhận, thời gian qua, rất nhiều NH đã chủ động tìm đến mời chào DN với lãi suất ưu đãi từ 7- 8%/năm. Tuy nhiên, DN vẫn không dễ vay  được vốn NH bởi khó đáp ứng được các tiêu chí vay vốn cũng như điều kiện tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi từ NH.

Theo như ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế chia sẻ nguyên nhân mà các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn là do thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, doanh nghiệp chỉ tập trung làm sao vay được vốn mà không có kế hoạch chi tiết sẽ trả nợ ngân hàng bằng cách nào và trong thời gian bao lâu.

Có thể nhận thấy một điều rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam phát triển rất nhanh, chưa được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Doanh nghiệp vẫn còn khá nghèo về vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, lực lượng lao động làm việc chất lượng chưa cao, năng lực sử dụng vốn đang ở mức rất thấp... Tất cả những điều này khiến DN khó đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng khi xin vay vốn.

Mặt khác nhiều doanh nghiệp lại chủ động ngừng vay vốn vì chưa tìm được đầu ra để tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Để có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước hết Nhà nước cần đưa ra các quy định, luật lệ rõ ràng hơn, đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế khác. Đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, công khai minh bạch trong quá trình điều hành, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tự do cạnh tranh, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị lép vế.

Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp cần phải tự đổi mới chính mình, tập trung đầu tư cốt lõi, rút ngắn và đồng bộ chu trình cung ứng nguyên liệu - sản xuất - bán hàng để giảm tồn kho nguyên liệu và thành phẩm, từ bỏ tư duy dự trữ nguyên liệu và đầu cơ hàng hóa. Doanh nghiệp nên phối hợp với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để sử dụng luân chuyển vốn, giảm nhu cầu vay, tạo thành nhóm mua - nhóm bán sử dụng lợi thế quy mô và vận chuyển để được giá tốt. Mặt khác doanh nghiệp chỉ nên nghĩ đến việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng khi đã sử dụng tốt các nguồn lực sẵn có.

Đối với các ngân hàng, cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn như điều chỉnh kỳ hạn nợ, cơ cấu lại nợ... Với các DN có phương án kinh doanh khả thi nhưng dòng tiền không về, NH đã thực hiện cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ để DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng thực hiện dự án.

H.C (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục