Theo đó, Chủ tịch HoREA cho biết, những năm gần đây lĩnh vực BĐS luôn có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới cao. Đến nay có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động, tuy nhiên, đa phần là có quy mô vừa và nhỏ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực môi giới và dịch vụ bất động sản. Hiện mới chỉ có 65 doanh nghiệp BĐS được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong những năm qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, HoREA đã chỉ ra 4 vấn đề mà thị trường BĐS đang gặp phải.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.
Thứ nhất là môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng vẫn chưa thật sự minh bạch, lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Những năm trước đây, đã có hiện tượng hình thành nhóm lợi ích trong lĩnh vực bất động sản, kể cả một số dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đợt rà soát, thanh tra, kiểm toán rất quyết liệt trong thời gian vừa qua.
Thứ hai là, doanh nghiệp bất động sản đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách; Hoặc do hiện tượng áp dụng “hồi tố” đối với một số trường hợp trong thời gian gần đây; Hoặc doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư, mà điển hình là doanh nghiệp không thể dự đoán được số tiền sử dụng đất dự án phải nộp, lúc nào được nộp...
Trong hơn 2 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Nhân Diễn đàn này, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng cảm ơn Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trung ương và Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh mới vừa giải tỏa cho 124 dự án, chiếm 78% số dự án bị rà soát, được hoạt động trở lại bình thường.
Ba là, trường bất động sản bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung-cầu (cung ít, cầu nhiều). Từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị sụt giảm: Năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017; Quý 1/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%; Theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với Q1/2018; Thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%.
Bốn là, thị trường bất động sản cần nguồn vốn đầu tư trung hạn, dài hạn, nhưng hiện nay đang lệ thuộc quá lớn vào hai nguồn vốn, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, nhưng chưa có các nguồn vốn khác thay thế, bổ sung. Thị trường chứng khoán chưa thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản. Các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) chưa phát triển như kỳ vọng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa phát triển... Do vậy, thị trường bất động sản chưa thật sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Doanh nghiệp BĐS đối diện với nguy cơ bị phá sản do chính sách thiếu ổn định.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do thị trường vẫn còn những điểm nghẽn trên chưa được tháo gỡ như: Điểm nghẽn thể chế; điểm nghẽn cơ sở hạ tầng; điểm nghẽn nguồn nhân lực. Đây cũng là những điểm nghẽn tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất. Ví dụ: Luật Đầu tư ghi tên “Nhà đầu tư” nhưng Luật Quy hoạch đô thị yêu cầu phải là “chủ đầu tư”. Hoặc Luật Đất đai quy định doanh nghiệp có quỹ “đất” thì được thực hiện dự án, nhưng Luật Nhà ở lại quy định phải là “đất ở” mới được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.
Ngoài ra, công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Thủ tục hành chính, quy trình hành chính còn nhiêu khê, trùng lắp. Cùng một hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có địa phương thì doanh nghiệp bất động sản bị vướng thủ tục, nhưng nhiều địa phương khác lại không bị vướng. Nên hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản có xu thế rời thành phố lớn, chuyển hướng đầu tư về các tỉnh.
Vì vậy, ông Châu kiến nghị, Trong lúc chờ đợi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị,... Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay và mở đường huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công – tư.
Đồng thời, HoREA cũng đề nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Hải Lan