DN bảo hiểm tăng 63% lợi nhuận đầu tư tài chính

(Kinhdoanhnet) - Nếu như mảng hoạt động đầu tư tài chính không còn được nhiều DN trong ngành kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao như năm trước, thì mảng hoạt động cốt lõi lại là một điểm sáng đang được nhiều DN bảo hiểm quan tâm.

Lợi nhuận tài chính khối nhân thọ tăng

Trong năm 2013, tổng cộng khối bảo hiểm nhân thọ đã đạt được lợi nhuận đầu tư tài chính lên tới 6.200 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2012. Trong khối này có tới 11/16 doanh nghiệp tăng lợi nhuận từ hoạt động tài chính so với năm 2012. Cụ thể như: AIA tăng 11%, Bảo Việt Nhân thọ tăng 5% khoản lợi nhuận này. Những doanh nghiệp nhỏ hơn như ACE Life tăng 18%, Fubon Life Việt Nam tăng 22%, Great Eastern Việt Nam tăng 23% và Prevoir Việt Nam tăng 31%...

Đặc biệt phải kể tới là Prudential Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 125% lợi nhuận tài chính so với năm 2012, ManuLife Việt Nam có lợi nhuận tài chính dương trở lại sau khi đột ngột bị âm lợi nhuận tài chính trong năm 2012.

DN bảo hiểm tăng 63% lợi nhuận đầu tư tài chính - Ảnh 1

Prudential Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 125% lợi nhuận tài chính so với năm 2012.

Phi nhân thọ tiếp tục giảm

Đối với nhiều công ty bảo hiểm hiện nay, không lỗ trong kinh doanh bảo hiểm gốc đã là niềm mơ ước. Ở khối phi nhân thọ, vì thị trường cạnh tranh gay gắt, cùng với chi phí quản lý tăng, việc tiếp tục hạ phí, mở rộng điều khoản để giành khách hàng không tương xứng với rủi ro chấp nhận bảo hiểm, nên hầu hết DN khối này liên tục thua lỗ. Lợi nhuận đầu tư tài chính lại tiếp tục lao dốc trong năm 2013. Tổng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính chỉ đạt khoảng 1.600 tỷ đồng giảm 4% so với năm 2012.

Thống kê chi phí bán hàng của một DN bảo hiểm phi nhân thọ lớn cho thấy, tổng chi phí bán hàng năm 2011 vượt 25% kế hoạch và bằng 147% năm 2010. Nguyên nhân là số tiền chi hoa hồng gốc tăng rất cao so với kế hoạch và so với năm trước. Đó là chưa kể chi phí quản lý cũng tăng mạnh vì tình hình lạm phát…

Có thể đưa ra một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Bảo Minh giảm 67%, Bảo hiểm ABIC giảm 52%, Bảo hiểm Bưu điện và Bảo hiểm Hàng không đều giảm 34%, Bảo hiểm PVI cũng giảm 22%....

Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đều lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ngoại trừ một số ít có lãi hoặc giữ nguyên. Bảo Việt có lãi cao nhất thị trường là 20 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2008. MIC lãi 9,5 tỷ đồng dù năm 2008 lỗ 45,6 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Việt.

Năm 2013, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm ước tính đạt thấp so với các năm trở lại đây, nhưng bằng các giải pháp kinh doanh hiệu quả, BIC vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh năm 2013 với các kết quả khả quan. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 937,3 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 123,37 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2012 và hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm 2013. Tổng quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 438,4 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2012. Tỷ lệ bồi thường thuộc mức trách nhiệm giữ lại là 38,8%, tiếp tục duy trì mức an toàn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Diễn biến trái chiều này là do bên khối nhân thọ lại ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ bên cạnh đó khối phi nhân thọ lại đầu tư vào tiền gửi và các tổ chức tín dụng. Trong khi đó trong năm 2013 trái phiếu chính phủ mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư điều này khiến cho các công ty bảo hiểm khối nhân thọ kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động đầu tư này.

Trớ trêu cho khối phi nhân thọ khi mặt bằng lãi suất sụt giảm mạnh trong năm 2013 điều này khiến làm cho các doanh nghiệp này bị thua lỗ nặng trong lĩnh vực đầu tư này.

Tuy rằng Bảo hiểm BIC hoạt động có lãi từ hoạt động tài chính tuy nhiên doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc sụt giảm lãi suất. Thu lãi tiền gửi của BIC đã giảm gần 16% trong năm.

Phát triển mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi

Nếu như mảng hoạt động đầu tư tài chính không còn được nhiều DN trong ngành kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao như năm trước, thì mảng hoạt động cốt lõi lại là một điểm sáng. Phần lớn DN trong ngành đặt kế hoạch giữ nguyên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, một số DN đặt kế hoạch tăng lợi nhuận đáng kể. 

Chẳng hạn Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đặt ra mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc năm 2014 đạt 1.581 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013; kinh doanh bảo hiểm gốc tiếp tục có lãi; quy mô doanh thu duy trì vị trí Top 5. Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014, với doanh thu phí bảo hiểm của Công ty mẹ BIC phấn đấu đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 130 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2013.

DN bảo hiểm tăng 63% lợi nhuận đầu tư tài chính - Ảnh 2
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) phấn đấu đạt doanh thu phí bảo hiểm tối thiểu 1.000 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê lợi nhuận trong khối phi nhân thọ đạt khoảng 16 tỷ đồng từ nghiệp vụ bảo hiểm trong năm 2013. Năm 2012, khối doanh nghiệp này lỗ nghiệp vụ 156 tỷ  đồng và năm 2011, lỗ nghiệp vụ 194 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng lợi nhuận sau thuế của khối phi nhân thọ vẫn tăng 9% so với năm trước đó, lên 1.500 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ của cả khối đã tăng lên 9,5% so với tỷ suất 9% của năm 2012.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2013 đã cho thấy sự thay đổi khá tích cực. Dự kiến trong năm 2014 các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập trung vào yếu tố hiệu quả kinh doanh.

Nhiều DN trong ngành tuyên bố sẽ không chạy theo tăng trưởng doanh thu, mà hướng đến sự phát triển bền vững. Tại ĐHCĐ 2013 của Pjico, Tổng giám đốc Đào Nam Hải khẳng định, Công ty không chú trọng tăng trưởng mạnh doanh thu, mà sẽ lấy lợi nhuận làm thước đo chính đánh giá năng lực quản lý của giám đốc các chi nhánh, thậm chí sẽ xây dựng chi tiết kế hoạch kinh doanh lỗ lãi đến từng nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chứng kiến hàng loạt công ty bảo hiểm đưa sản phẩm mới ra thị trường. Sản phẩm mới và đội ngũ phân phối sẽ là hai khâu chủ lực giúp tăng doanh thu của khối nhân thọ trong năm nay. Tuy nhiên hầu hết sản phẩm mới chỉ là “nâng cấp phiên bản cũ”.

Năm 2014 được các chuyên gia đánh giá sẽ là một năm lạc quan với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Với triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, thị trường bảo hiểm kỳ vọng sẽ có những chuyển biến và phát triển bền vững.

Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sớm được ký kết trong năm 2014 sẽ tạo ra cú hích cho kênh tài chính ngân hàng, góp phần giải quyết những ách tắc, qua đó tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm.

T.T (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục