Điểm mặt những thương vụ mua vốn ngân hàng Việt của các quỹ ngoại

(Kinhdoanhnet) – Thời gian gần đây diễn ra khá nhiều thương vụ giữa các quỹ đầu tư ngoại vào thị trường ngân hàng Việt Nam. Những khoản đầu tư từ các quỹ ngoại được xem như một biện pháp hiệu quả để ngân hàng tăng vốn, bổ sung nguồn lực nội tại nhằm tiến hành tái cơ cấu.

Mới đây nhất là ra sự kiện Quỹ đầu tư GIC của Singapore và Ngân hàng Vietcombank ký thoả thuận ghi nhớ về việc GIC sẽ mua lại 7,73% cổ phần của Vietcombank. Cụ thể, GIC sẽ mua lại hơn 305,8 triệu cổ phần của Vietcombank phát hành trong đợt phát hành riêng lẻ sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra trong quý 4/2016. Mệnh giá cổ phiếu mà phía GIC đưa ra để sở hữu 7,73% vốn điều lệ Vietcombank vẫn chưa được công bố theo thoả thuận cả hai bên, nhưng theo ước tính nếu thương vụ này thành công Vietcombank có thể sẽ thu về hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Như vậy với việc GIC sẽ mua hơn 305,8 triệu cổ phần mới của Vietcombank, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng khá nhiều, giúp ngân hàng tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Trước đây, Vietcombank cũng đã từng bán 15% cổ phần của mình cho một nhà đầu tư ngoại đó là Mizuho Bank Ltd với giá 34.000 đồng/cổ phiều, qua đó Vietcombank đã thu về tổng cộng gần 11.829 tỷ đồng từ thương vụ này. Hiện tại Mizuho vẫn đang là cổ đông chiến lược của Vietcombank.

Chỉ mới tuần trước, TPBank cũng đã đồng ý bán cổ phần của mình cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG). Qua đó, IFC trở thành cổ đông của TPBank với mức sở hữu 4,999% vốn điều lệ, và TPBank thu về khoảng 403,1 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu ưu đãi cho IFC.

Trước đó vào đầu năm 2011, cũng chính IFC đã đầu tư rót vốn vào ABBank và trở thành cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu 10%. Cụ thể, gói đầu tư của IFC vào ABBank bao gồm việc mua 480 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, và 312 tỷ đồng trái phiếu thường do ABBAnk phát hành. Cùng với việc đầu tư vào ABBank, IFC đóng vai trò tư vấn cho ABBank trong các lĩnh vực quản trị công ty và tài trợ tiết kiệm năng lượng.

Cùng thời điểm này, IFC cũng đã ký kết kết các hợp đồng đầu tư với VietinBank, theo đó, IFC sẽ đầu tư khoảng hơn 3.500 tỷ đồng góp vốn cổ phần và cung cấp các khoản vay thứ cấp đạt tiêu chuẩn vốn tự có cấp hai, trị giá khoảng gần 2.500 tỷ đồng, hỗ trợ kế hoạch cổ phần hoá khu vực ngân hàng của Việt Nam và giúp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại, IFC đang năm giữ khoảng 5,39% vốn điều lệ của Vietinbank tương đương khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Hiện tại, cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn tại các ngân hàng Việt. Trong cơ cấu sở hữu vốn điều lệ tại ACB hiện nay ghi nhận Standard Chartered APR Limited nắm giữ 8,77% vốn điều lệ ngân hàng, Connaught Investors Limited nắm giữ 7,26% vốn điều lệ, Dragon Financial Holdings Limited nắm giữ 6,81%. Tại Eximbank cũng có nhà đầu tư ngoại là Sumitomo Mitsui Banking Corportion sở hữu tới 15% cổ phần ngân hàng cùng với đó là VOF Investment Limited nắm giữ 4,97%.

Hiện tại trên thị trường Việt Nam cũng có tới 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động và 1 ngân hàng mới được cấp phép thành lập và hoạt động. Cụ thể các ngân hàng 100% quỹ ngoại tại thị trường Việt Nam bao gồm: Ngân hàng TNHH MTC HSBS Việt Nam với vốn điều lệ là 7.528 tỷ đồng; Ngân hàng Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ), Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam, Ngân hàng Hong Leong Việt Nam cùng với số vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng Shinhan Việt Nam với vốn điều lệ 4.547 tỷ đồng; Ngân hàng VID Piblic Bank với vốn điều lệ khoảng 1.250 tỷ đồng.

Mới nhất được NHNN cấp phép đồng ý thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là Woori.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục