ĐHCĐ Maritimebank: Không nên nhận sáp nhập MDB

(Kinhdoanhnet) – Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên phiên họp lần thứ 23 của Maritimebank, một số cổ đông của ngân hàng này cho rằng không nên nhận thêm ngân hàng yếu (MDB) vì sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.

Sáng nay (ngày 28/5/2015), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank-MSB) đã tổ chức cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên phiên họp lần thứ 23.

Trong cuộc họp lần này, Hội đồng quản trị của MSB đã công bố kết quả kinh doanh năm 2014 cùng kế hoạch kinh doanh 2015.

Cụ thể theo báo cáo, trong năm 2014 MSB đã không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đã đề ra, ngân hàng này chỉ đạt 93,3% kế hoạch doanh thu năm và hoàn thành 98,2% kế hoạch  lợi nhuận năm.

Tuy nhiên điểm tích cực là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này trong năm 2014 đã giảm từ mức 2,71% của năm 2013 xuống còn 2,61%, đạt mục tiêu dưới 3%. Bên cạnh đó tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm 2014 cũng đạt tới 722 tỷ đồng, tăng 221% so với năm 2013. Dư nợ cho vay chủ yếu vẫn là tín dụng doanh nghiệp chiếm 87,6% tổng dư nợ.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 ngân hàng Maritimebank.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 ngân hàng Maritimebank.

Theo kế hoạch đề ra, năm nay MSB dự kiến tổng tài sản ở mức 109.576 tỷ đồng tăng mạnh 105% so với 2014, vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn là 78.275 tỷ đồng, tăng mạnh 117%. Dư nợ tín dụng cho năm 2015 ở mức 42.013 tỷ đồng, tăng 106,8%, lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng 1.114 tỷ đồng tăng 113,1% so với năm 2014.

Có thể thấy rằng trong năm 2015 này, MSB đặt ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh tăng khá mạnh so với năm 2014, mặc dù trong kết quả kinh doanh của năm 2014 không khả quan.

Nguyên nhân có thể là do trong năm nay MSB sẽ hoàn thành việc sáp nhập với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát Triển Mê Kông (MDB). Theo như chia sẻ của Tạ Ngọc Đa – Tổng giám đốc ngân hàng Maritimebank cho biết hiện cả hai ngân hàng đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập chính thức để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chính thức việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank. Dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 việc sáp nhập sẽ chính thức được phê chuẩn.

Trước đó vào ngày 18/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank tại công văn số 1607/NHNN- TTGSNH.

Liên quan tới vấn đề nhận sáp nhập MDB, một số cổ đông của Maritimebank cho rằng, ngân hàng không nên nhận thêm ngân hàng yếu (MDB) vì sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.

Trả lời cổ đông về vấn đề này ông Đào Trọng Khanh – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT MSB cho biết MDB là ngân hàng quy mô nhỏ nhưng không phải là ngân hàng yếu kém, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức dưới 3%, hoạt động cũng lành mạnh. Do đó khi thực hiện sáp nhập với MDB, sẽ tạo giá trị cộng hưởng về mạng lưới, chiến lược hoạt động, văn hóa… và sẽ làm gia tăng giá trị cho MSB.

Ngoài ra một số cổ đông của MSB còn cho rằng với tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu MDB và MSB là 1:1, cổ đông của MSB sẽ phải chịu thiệt thòi.

Tuy nhiên lãnh đạo MSB cho biết tỷ lệ hoán đổi 1:1 đã  được căn cứ trên giá trị sổ sách được kiểm toán của hai Ngân hàng, các giá trị về thương hiệu, sản phẩm, mạng lưới, kinh nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ,…và xác định giá trị cổ phiếu của cả 2 Ngân hàng là tương đương nhau. Đồng thời với tỉ lệ hoán đổi này, hoạt động kinh doanh và cơ cấu cổ đông trong và sau khi sáp nhập của ngân hàng sẽ không bị xáo trộn.

Minh anh (TH theo BizLive; Trí thức trẻ; NDH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục