Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký Tờ trình số 8806 /TTr-BGTVT kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Dự thảo Nghị định này đã được Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động và tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định là việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác. Dự thảo Nghị định sẽ gồm 4 chương, 13 điều và 1 phụ lục nhằm quy định điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc; chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc; mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi Bộ GTVT quản lý.
Trên cơ sở lợi ích tính toán và cân đối với mức giá đang thực hiện đối với các dự án BOT quốc lộ cũng như các dự án BOT cao tốc; các chính sách tổ chức, điều tiết giao thông đảm bảo tốc độ dòng giao thông trên cao tốc, dự thảo Nghị định quy định mức phí đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí áp dụng Mức 1 (đường cao tốc có 4 làn xe trở lên, có làn dừng khẩn cấp liên tục); áp dụng Mức 2 đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ (đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục).
Đối với Mức 1, mức phí thấp nhấp (áp dụng đối với loại xe nhóm 1) là 1.300 đồng/km; mức phí cao nhất (áp dụng đối với loại xe nhóm 5 là 5.200 đồng/km). Đối với Mức 2, mức phí thấp nhấp (áp dụng đối với loại xe nhóm 1) là 900 đồng/km; mức phí cao nhất (áp dụng đối với loại xe nhóm 5 là 3.600 đồng/km).
Hiện nay, hạng mục hạ tầng trạm và hệ thống thiết bị thu phí (hạ tầng trạm, thiết bị, công nghệ thu phí điện tử không dừng) trên các đoạn tuyến cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu chưa được xây dựng hạ tầng trạm thu phí, lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng hoặc chưa được bố trí trong cơ cấu vốn của dự án thành phần (đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam).
Do vậy, để triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, ngân sách Nhà nước phải bố trí nguồn vốn ngân sách (nguồn vốn đầu tư công, nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ…) để đầu tư xây dựng hạ tầng trạm, lắp đặt thiết bị, công nghệ thu phí điện tử không dừng.
Theo Bộ GTVT, trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc theo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn; bên cạnh đó, vốn bảo trì hệ thống quốc lộ hàng năm hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Vì vậy, việc huy động nguồn lực từ khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu nhà nước góp phần quan trọng để Nhà nước có thêm nguồn lực thực hiện công tác bảo trì các tuyến cao tốc hiện hữu, cũng như để đầu tư cho các dự án cao tốc mới.
Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo dịch vụ tương xứng với mức phí trên các tuyến cao tốc.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh về số lượng, sự đa dạng của phương tiện và các hình thức vận tải như hiện nay, việc tổ chức thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ góp phần điều tiết lưu lượng phương tiện, giảm áp lực về mật độ phương tiện, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, tăng tuổi thọ công trình và giảm chi phí bảo trì trên các tuyến cao tốc cũng như các tuyến đường bộ song hành.
“Từ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên cho thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là hết sức cần thiết”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.