Đề xuất giảm phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đến tháng 6/2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành thông tư giảm phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đến tháng 6/2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc xây dựng, ban hành các thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ theo đề xuất của Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn 12312/BTC-CST gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ Tài chính đánh giá năm 2021, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý 3/2021 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Do đó, dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra 6%.

Trong bối cảnh này, kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021.

Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép tiếp tục kéo dài thời gian giảm các loại phí, lệ phí đã giảm đến hết 6/2022 thay vì chỉ đến 12/2021, đồng thời cho phép Bộ ban hành các Thông tư giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực thi hành ngay, để kịp thời hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phối hợp với các Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2022.

Bộ Tài chính cho biết thêm, Bộ vừa có công văn số 12311/BTC-CST ngày 27/10/2021 đề nghị Bộ Tư pháp cho ý kiến với đề xuất ban hành Thông tư tiếp tục giảm phí, lệ phí theo trình tự thủ tục rút gọn và gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 3/11/2021 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

Năm 2020, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu 29 khoản phí, lệ phí, với nhiều mức giảm cao như giảm 20% mức phí thẩm định cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng... Chính sách này sau đó được "nới" thêm thời hạn đến hết năm 2021.

Bên cạnh đó, năm 2021, Chính phủ còn giảm thêm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; phí trong lĩnh vực thú y. Các loại phí này giảm 10 - 50%. Vào tháng 6/2021, Bộ Tài chính ban hành tiếp Thông tư khác giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Luỹ kế hết năm 2021, số giảm thu từ phí, lệ phí khoảng 3.000 tỷ đồng.

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục