Đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Bộ Tài chính vừa tăng mức đề xuất giảm thuế

 

Bộ Tài chính đồng thuận tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 2.000 đồng/ lít
Bộ Tài chính đồng thuận tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 2.000 đồng/ lít
 

Đề xuất giảm thuế môi trường 2.000 đồng/lít xăng

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2022 đến hết ngày 31-12-2022.

Theo Bộ Tài chính, với mức giảm trên, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng).

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1-4-2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước, gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, tương ứng gần 24.000 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn để chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chuẩn bị tất cả các kịch bản để tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá cả. Đồng thời, đưa ra những giải pháp cụ thể để đảm bảo mặt hàng xăng dầu không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống, sản xuất, cũng như là chỉ số lạm phát chung.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lên phương án đối với những mặt hàng cốt yếu khác để đảm bảo cho giữ mặt bằng giá chung, đảm bảo chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội thông qua trong năm 2022.

Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu

Giá xăng tăng khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vận tải tăng theo. Để ngăn chặn hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp về giảm thuế, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trong nước.

Bộ Công Thương ngày 8-3-2022 cũng có công văn số 1155/BCT-TTTN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, khuyến khích DN, người dân tiết kiệm xăng dầu.

Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các DN kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn

Theo một số chuyên gia, một trong những giải pháp khả thi nhất lúc này là sử dụng hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu. Các DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu…

Theo ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhu cầu đi lại phục hồi kinh tế đang ở mức cao, việc quản lý nguồn cung xăng dầu gắn tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu và hiệu quả là giải pháp được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. “Hiện tại giá xăng dầu vẫn còn biến động, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, DN hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tính trạng đầu cơ, tích trữ hàng đối với mặt hàng xăng dầu”, ông Đông nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh chia sẻ, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất, lưu thông, an sinh xã hội... của nước ta. Do vậy, chúng ta phải luôn nhạy bén tìm ra giải pháp để thoát khỏi các khó khăn, hạn chế. Thay vì sử dụng nhiều xăng dầu, có thể tăng thêm việc sử dụng các nguyên liệu khác, như tăng thêm tỷ lệ năng lượng tái tạo, đó đều là những yếu tố mà chúng ta có thể cố gắng được.

Nguyễn Đăng

Pháp Luật và Xã hội
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục