Tuyến đường dài 21,5 km, 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đi trùng quốc lộ 1 đến ngã tư An Sương (quận 12). Dự án thuộc danh mục TP HCM kêu gọi đầu tư năm 2021, thực hiện giai đoạn 2021-2030. Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu đầu tư dự án theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Phương án này được Sở Giao thông Vận tải ủng hộ, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập hồ sơ đầu tư.
|
Sơ đố tuyến đường trên cao số 5 và số 1. Đồ họa: Thanh Nhàn.
|
Theo quy hoạch, toàn tuyến trên cao số 5 của TP HCM dài 34 km, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội đến nút giao An Lạc (quận Bình Tân). Cách đây 6 năm, dự án từng được nghiên cứu đầu tư nhưng chưa triển khai. Hiện, dự án được xem trọng điểm, cấp bách, trong đó đoạn nút giao Trạm 2 - An Sương đề xuất ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025; đoạn còn lại (An Sương - An Lạc, dài khoảng 12,5 km) triển khai giai đoạn 2025-2030.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho biết, quốc lộ 1 đoạn từ Trạm 2 đến ngã tư An Sương là tuyến huyết mạch nối từ đông sang tây thành phố, mật độ xe đông nên thường ùn tắc. Đường trên cao số 5 khi hình thành góp phần giảm kẹt xe những tuyến hiện hữu như quốc lộ 1, Cộng Hòa, Trường Chinh... Việc xây dựng trên cao sẽ khả thi hơn so với mở rộng đường do ít phải đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư dọc bên. Đường trên cao chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa sẽ giảm ảnh hưởng giao thông trên tuyến.
|
Nút giao Trạm 2 - điểm đầu tuyến đường trên cao số 5 đang được đề xuất đầu tư theo hợp đồng BOT. Ảnh: Gia Minh.
|
Cùng với tuyến trên cao số 5, trước đó Sở Giao thông Vận tải đề xuất sớm đầu tư tuyến số 1 (từ nút giao Lăng Cha Cả, quận Tân Bình đến đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh). Tuyến này dài 9,5 km, 4 làn xe, vốn đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng. Công trình khi xây dựng giúp hình thành trục giao thông theo hướng bắc nam, giải quyết ùn tắc xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và khu trung tâm...
TP HCM quy hoạch 5 đường trên cao dài gần 71 km, tổng mức đầu tư hơn 89.000 tỷ đồng. Ngoài tuyến số 1 và số 5, các tuyến khác gồm: số 2, dài gần 12 km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh); tuyến số 3 dài 8 km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7); tuyến số 4 dài 7,3 km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
5 tuyến trên cao tại TP HCM được Thủ tướng duyệt quy hoạch cách đây 8 năm nhưng đến nay chưa dự án nào triển khai do thiếu vốn.