Một số doanh nghiệp du lịch cũng kiến nghị Chính phủ cân nhắc gói hỗ trợ thứ hai, mở cửa bầu trời nội địa...
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch mới đây, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ để sớm phục hồi và phát triển trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn.
Đề nghị giảm thuế 50%, gia hạn thời gian nộp thuế 12 tháng
Theo ông Amir Ohayon, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường - chủ đầu tư của khu nghỉ dưỡng Alma, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần có chiến lược dài hạn và chính sách thu hút đầu tư hơn nữa.
"Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ cân nhắc giảm 50% thuế cần phải nộp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để hỗ trợ phục hồi sau Covid-19", ông Amir Ohayon nói và cho rằng điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, đồng thời khuyến khích phát triển thêm sản phẩm, mô hình du lịch mới.
Ông Amir Ohayon cũng khẳng định các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như hàng không, khách sạn, vận tải và các đơn vị khác cần phải liên kết để xây dựng các gói sản phẩm giúp giảm chi phí cho khách hàng, điều này rất quan trọng đối với việc ra quyết định tiêu dùng của họ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel, đề nghị giảm thuế thu nhập về 5% từ mức 10% hiện nay.
"Trước đây ngành du lịch có thị trường quốc tế, nay còn mỗi trong nước và tình hình thị trường còn khó khăn. Giai đoạn này đang khôi phục và thuế 10% chưa phù hợp lắm với tình hình", ông Kỳ giải thích.
Bên cạnh đó, ông Kỳ cũng đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, và 12 tháng với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch. Đồng thời gia hạn đến 12 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành. Ông cho biết nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì doanh nghiệp không đủ thời gian tái tạo và hồi phục.
Cũng theo lãnh đạo Vietravel, gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đến tay người lao động ngành du lịch. Tại các điểm du lịch, ông Kỳ đề nghị địa phương cần có chính sách đặc biệt giúp doanh nghiệp tồn tại và hoạt động trở lại để du khách đến có nơi tiêu xài.
Trong khi đó, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc thường trực - Giám đốc điều hành VietJet, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế, miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp.
Ông Phương cho rằng việc này chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp và giúp có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.
Cân nhắc gói hỗ trợ thứ hai
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch, cho biết doanh nghiệp hàng không và du lịch nằm trong nhóm các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Do đó, để Việt Nam phục hồi nhanh chóng du lịch nội địa, chống đổ vỡ hàng loạt, ông cho rằng cần hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp này, để họ có thể tiếp tục hoạt động, giữ được lực lượng lao động có chuyên môn, kinh nghiệm.
Ông kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp đang hoạt động và có nhu cầu có thể vay bằng số tiền nộp thuế trong năm 2019. Đây là giải pháp căn cơ và có thể hỗ trợ ngay các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, cho phép khoanh nợ và tái cấu trúc các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không và khách sạn đang hoạt động đến hết năm 2021.
"Ngành hàng không và du lịch sẽ phải đương đầu với thách thức lớn hơn nhiều trong 3 năm tới và 2021 chắc chắn vẫn làm năm hết sức khó khăn", ông Kiên nói và bày tỏ đề xuất của ông sẽ được cân nhắc khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ thứ hai.
Mở cửa bầu trời nội địa, "bắt tay nhau" để kích cầu
Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sunworld đề xuất Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không "mở cửa bầu trời nội địa". Ông Nam cho rằng vì tới năm 2021 có thể vẫn chưa mở lại được bầu trời quốc tế, do đó thị trường nội địa vẫn là trọng tâm.
Lãnh đạo Sunworld đề xuất đẩy mạnh các chuyến bay nội địa để kích cầu và nếu Chính phủ có chính sách trợ giá cho các hãng hàng không, thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng hơn.
Ông Nam dẫn chứng việc Chính phủ Thái Lan chi ngân sách trợ giá vé máy bay để làm giá tour hấp dẫn hơn. Thái Lan đã đón 39,8 triệu lượt khách năm 2019, xếp thứ 8 thế giới và số 2 châu Á về lượng khách.
"Ngành du lịch thu được nhiều hơn từ chi tiêu cho khách sạn, lưu trú, ăn uống, mua sắm, tiêu dùng, và thuế. Ước tính, việc mở cửa bầu trời nội địa cũng sẽ giúp chúng ta khai thác được khoảng 10 triệu người Việt Nam thường xuyên đi du lịch nước ngoài hàng năm", đại diện Sunworld cho biết.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Lê Thị Giang, Phó giám đốc Công ty Hanoitourist nhận định việc kích cầu du lịch vẫn đang gặp kho do các tỉnh có các chính sách chưa đồng bộ, nơi miễn phí tham quan, nơi lại không. Hơn nữa, chính sách ứng phó với dịch bệnh tại mỗi địa phương cũng khác biệt khi nơi đóng cửa, nơi không. Trong khi đó, một tour du lịch kết hợp hai đến ba điểm tham quan tỉnh và thành phố.
Mặt khác, có khách sạn đồng ý giảm giá nhưng khi có tín hiệu khách đến lập tức đẩy giá lên cao; giá cuối tuần, giá giữa tuần có sự khác biệt tạo cho công ty du lịch không có được sản phẩm, lộ trình giấy thiệu đến khách hàng ổn định.
Theo bà Giang, để thu hút khách thì các địa phương phải có chính sách đồng bộ, doanh nghiệp lữ hành phải liên kết có lộ trình để kích cầu.
Cần tư duy lại cách làm du lịch
Tại hội nghị, Thứ trưởng Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành du lịch đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2015-2019. Khách quốc tế đến Việt Nam từ 7,9 triệu lên 18 triệu, bình quân tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5% một năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề khiến các điểm đến vắng khách. Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế năm 2020 ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Hàng nghìn doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc với 40-60% lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công và khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Hàng loạt khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại 530 nghìn tỷ đồng.
Do đó, Thứ trưởng cho rằng toàn ngành du lịch phải có biện pháp ứng phó kịp thời và đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Tác giả:Sơn Thủy - Kiều Oanh