Để thủ đô Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh

(Kinhdoanhnet) - Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội lần thứ V, Bí thư Hoàng Trung Hải đã nêu các giải pháp để thủ đô nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả điều hành và quản trị công.

Sáng 27/6, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 5, thảo luận thông qua 2 Chương trình công tác lớn về đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển kinh tế và phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2016 - 2020.

Để thủ đô Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Kinh tế đô thị

Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng GDP bình quân đạt 8,5 - 9%, bình quân đầu người 140 - 145 triệu đồng, cơ cấu kinh tế năm 2020 dịch vụ chiếm 67 - 67,5%, công nghiệp xây dựng 30 - 30,5%, nông nghiệp 2,5 - 3%, huy động vốn đầu tư xã hội 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng, tỷ lệ lao động.

Đáng chú ý, Hà Nội đề ra một loạt các yêu cầu, giải pháp để nâng xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cùng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, giải pháp của Hà Nội là hướng tới cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh; công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, đất đai, quy hoạch ngành. Thời gian khởi sự kinh doanh được rút ngắn, nâng tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%, thời gian đăng ký kinh doanh tối đa là 2 ngày, thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày, tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 9%; cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư.

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, thủ tục đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn "dư địa" để làm tốt hơn nữa. 120.000 DN còn hoạt động của Hà Nội là con số thấp và còn có thể khơi thông", Bí thư gợi mở về các giải pháp thực hiện Chương trình.

Cũng theo Bí thư Hoàng Trung Hải, nhìn tổng thể, tổng ngân sách là thiếu. Vì vậy, chủ trương xã hội hóa cần đẩy mạnh hơn nữa, ngay cả các dự án mà địa phương đã có chủ trương bố trí ngân sách cũng có thể rút ra nếu có thể xem xét kêu gọi được xã hội hóa, và xã hội hóa phải đảm bảo được tính "win - win" của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Có ý kiến cho rằng mục tiêu lớn nhưng băn khoăn về nguồn lực. Nguồn lực là ở chính chúng ta, ở các vấn đề quản lý, ở các thủ tục mà chúng ta có thể khơi thông cho doanh nghiệp, cho người dân".

Thu Trang (TH theo Kinh tế đô thị, Zing.vn)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục