Đề nghị bổ sung quy định quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất

Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị bổ sung quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất.

Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có điểm mới là sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành, Điều 19, Điều 22 của dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ; tổ chức, cá nhân nước ngoài có các quyền sở hữu đối với nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Dự thảo Luật tuy không quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất hay không nhưng quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay trên cả nước có khoảng 3.035 cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và được cấp Giấy chứng nhận, chủ yếu là nhà chung cư.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật dẫn chứng, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định của dự thảo Luật liên quan đến sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, do đó đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, cung cấp thông tin về quá trình thực thi chính sách này trên thực tế theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, những kết quả đạt được cũng như những điểm vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, phù hợp với quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về người sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân nước ngoài.

Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định này sẽ đồng bộ với quy định tại khoản 1 Điều 14 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là: “Trường hợp cá nhân nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư dự án bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì các nội dung liên quan về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của Luật đất đai, Luật Nhà ở.”.

Tuấn kiệt

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục