Đầu tư Nam Long: Chỉ thực hiện được 15% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm, nợ vay tăng mạnh

Đầu tư Nam Long báo lãi quý 2 tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện 26% và 15% doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng...

Thực hiện 15% kế hoạch năm trong 6 tháng đầu năm

Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã CK: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Theo đó, thu thuần đạt 1.240,7 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự đóng góp gần 1.700 tỷ đồng.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, kết quả này được đóng góp từ hai dự án Akari và Southgate (Waterpoint Long An, giai đoạn 1), 92% doanh thu quý này đến từ bán nhà và căn hộ thuộc hai dự án này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ghi nhận gần 50 tỷ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay, con số này ở cùng kỳ chưa đến 17 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2022, Đầu tư Nam Long có khoảng 3.940 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng (chiếm tỷ trọng 79%).

Đầu tư Nam Long: Chỉ thực hiện được 15% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm, nợ vay tăng mạnh - Ảnh 1
Nam Long báo lãi quý 2 tăng mạnh. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện 15% lợi nhuận so với kế hoạch năm.
Nam Long báo lãi quý 2 tăng mạnh. Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện 15% lợi nhuận so với kế hoạch năm.

Chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng mạnh từ 16,3 tỷ đồng ở cùng kỳ lên 158,2 tỷ đồng. Ở cùng kỳ năm ngoái, các hoạt động bán hàng của doanh nghiệp bất động sản nói chung đều trì hoãn do giãn cách xã hội. Sau khi bước vào giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp, trong đó có Nam Long đã đẩy mạnh hoạt động mở bán trở lại.

Chi phí tài chính của Nam Long quý này cũng tăng gấp đôi, lên 42,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay hơn 20,3 tỷ đồng.

Kết quả, kết thúc quý 2, Nam Long đạt gần 111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nam Long ghi nhận doanh thu thuần 1.828 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự là đạt hơn 1.688 tỷ đồng, chiếm 92% trong tổng nguồn thu của doanh nghiệp.

So sánh với 6 tháng năm 2021, doanh thu từ dịch vụ xây dựng giảm mạnh, công ty cũng không ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng dự án, hai mảng đóng góp chính vào nguồn thu cùng kỳ năm ngoái của doanh nghiệp.

Trong kỳ, lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 97%, lãi khác cũng giảm 99% do không ghi nhận 423 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ như cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế của Nam Long đạt 225 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo kế hoạch kinh doanh, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.526 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng kinh doanh đầu năm, Nam Long đã thực hiện được lần lượt 26% và 15% kế hoạch năm.

Giải thích về kết quả kinh doanh thấp trong quý đầu năm, ban lãnh đạo Nam Long cho biết ban đầu doanh nghiệp dự tính lãi 200 tỷ đồng, trong đó có phần từ bán cổ phần Paragon.

Hai bên đã ký hợp đồng và đối tác đã chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa của Nam Long. Tuy nhiên, thủ tục chuyển tên và cập nhật giấy chứng nhận đầu tư chậm hơn dự kiến nên doanh nghiệp chưa kịp ghi nhận trong quý I. 350 tỷ đồng lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần này sẽ dời lại và được ghi nhận trong năm 2022.

Phối cảnh khu đô thị Waterpoint Long An của Đầu tư Nam Long.
Phối cảnh khu đô thị Waterpoint Long An của Đầu tư Nam Long.

Nợ vay tăng mạnh, dòng tiền kinh doanh âm

Được biết, hiện Nam Long đã và đang tập trung phát triển một loạt khu đô thị tích hợp tại Tp.HCM và các địa phương lân cận, bao gồm: Khu đô thị Mizuki Park 26 ha tại Bình Chánh, TP.HCM; phân khu Southgate 165 ha, thuộc dự án Khu đô thị tích hợp Waterpoint 355 ha tại Bến Lức, Long An; dự án Akari City 8,5 ha tại Bình Tân, Tp.HCM; Khu đô thị tích hợp Izumi City 170 ha tại Tp. Biên Hoà, Đồng Nai; Khu đô thị Nam Long – Central Lake II Cần Thơ 43 ha; và dự án Nam Long Đại Phước 45 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai…

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp là 24.942 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 64% tổng tài sản với 16.012 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Các dự án đang ghi nhận tồn kho hàng nghìn tỷ đồng của Nam Long gồm dự án Izumi (7.315 tỷ đồng), dự án Southgate (3.865 tỷ đồng), dự án Paragon Đại Phước (1.975 tỷ đồng) và dự án Waterpoint (1.406 tỷ đồng). Tại cuối quý II, tồn kho tại các dự án này đều tăng so với thời điểm đầu năm.

Danh mục tồn kho của Đầu tư Nam Long.
Danh mục tồn kho của Đầu tư Nam Long.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Nam Long tính đến ngày 30/6/2022 ghi nhận trên 12.070 tỷ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 7.294 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm; nợ dài hạn ghi nhận 4.776 tỷ đồng, tăng gần 27% so với đầu năm.

Đáng lo ngại hơn là tổng nợ vay của Nam Long tăng đến 23,1% so với hồi đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ vay tại Nam Long đạt 4.441 tỷ đồng, chiếm 36,8% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Nam Long Group tăng gần 42% lên mức gần 3.287 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.153 tỷ đồng.

Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Nam Long là Ngân hàng TMCP Công thương Phương Đông (OCB) với gần 443 tỷ đồng khoản nợ ngắn hạn và 593 tỷ đồng khoản dài hạn.

Nợ phải trả của Đầu tư Nam Long tăng mạnh trong khi vốn chủ sở hữu giảm.
Nợ phải trả của Đầu tư Nam Long tăng mạnh trong khi vốn chủ sở hữu giảm.

Đứng sau Ngân hàng OCB là Ngân hàng Mizuho với khoản vay 240 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcomank) với 212 tỷ đồng dài hạn. Ngoài ra, Nam Long Group còn vay Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh TP.HCM 90 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (Standard Chartered Bank) gần 86 tỷ đồng; Ngân hàng Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam (Overseas Bank) hơn 34 tỷ đồng.

Nam Long vay 2 cá nhân khác là bà Phan Thị Thu Hiền (130 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Thu Hương (90 tỷ đồng). Đồng thời, doanh nghiệp cũng huy động vốn từ trái phiếu tại cũng rất lớn với mục đích tăng đòn bẩy tài chính. Tính đến 30/6/2022, Nam Long Group đang sở hữu khoản nợ 2.521 tỷ đồng trái phiếu.

Để đảm bảo cho các khoản vay, Nam Long đã thế chấp hàng loạt tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phát sinh từ các dự án do doanh nghiệp đầu tư cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (Standard Chartered Bank) …

Ngoài vốn vay và trái phiếu, Nam Long đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng từ khách hàng trong nửa đầu năm (riêng quý II gần 600 tỷ đồng), được ghi nhận ở khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn với giá trị gần 3.543 tỷ đồng, tính đến hết tháng 6.

Đáng chú ý, trong khi khối nợ “phình to” thì vốn chủ sỡ hữu của Nam Long này lại đang có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Nam Long cuối quý 2 ghi nhận 12.771 tỷ đồng, giảm 6% so với con số hơn 13.595 tỷ đồng đầu năm.

Dòng tiền kinh doanh của NLG cũng đang ở mức âm.
Dòng tiền kinh doanh của NLG cũng đang ở mức âm.

Không chỉ tăng mạnh về nợ vay, vốn chủ sỡ hữu giảm, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Nam Long cũng ở mức âm. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Nam Long 6 tháng đầu năm âm 237 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận âm 676 tỷ đồng.

Do đó, Nam Long Group đã đẩy mạnh các hoạt động vay nợ tài chính để bù đắp. Trong đó, tiền thu từ đi vay là hơn 2.000 tỷ, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng trả nợ gốc 1.232 tỷ.

 

Bình Nguyên

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục