DN Nhà nước và tư nhân phải song hành, bình đẳng
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (siêu ủy ban) vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về việc giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng việc giao ACV đầu tư và khai thác thêm một nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có. Điều này giúp tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.
Theo siêu ủy ban, ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối (95,4%), doanh nghiệp này có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không. Giao ACV làm sẽ thực hiện dự án theo đúng quy định khi T3 là công trình có tính chất cấp bách, cần triển khai khẩn trương để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã có công văn trả lời một số nhà đầu tư từng đề xuất tham gia đầu tư vào dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất như: FLC, IPP, Công ty cổ phần hàng không Sao Việt (Vietstar).
Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – CHKQT Tân Sơn Nhất.
Quyết định này của Bộ GTVT và Siêu ủy ban đã gây nhiều tranh cãi khi nhiều người cho rằng đã bỏ qua xã hội hóa để chỉ định ACV xây dựng ga T3.
Ông Lại Xuân thanh - Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Xuân thanh - Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng xã hội hóa là chủ trương đúng đắn nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư của xã hội trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn chế. Năm 1995 đã có DN có vốn đầu tư nước ngoài làm kho hàng hóa Tân Sơn Nhất. Từ trước đến nay, ACV chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu là khu bay, nhà ga và các công trình công cộng khác như đường giao thông nội cảng, công trình điện, cấp thoát nước, công trình bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Các hạng mục khác mang tính thương mại như suất ăn, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, dịch vụ phục vụ mặt đất, xăng dầu hàng không… đều do các DN cổ phần đầu tư, quản lý khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình xã hội hóa, cần có cơ chế đặc thù để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của DN nhà nước như ACV. DN Nhà nước và tư nhân phải song hành, bình đẳng.
Cũng theo ông Thanh, Cho đến nay, ACV là DN duy nhất được Nhà nước thành lập để thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay (CHKSB) toàn quốc. Hiện ACV quản lý hệ thống 22 CHK, trong đó đa số các CHK địa phương không có lợi nhuận tài chính, chủ yếu mang tính cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng, địa phương.
Việc xé lẻ xã hội hóa các công trình mang tính thương mại, mang lại nguồn lực để duy trì khai thác và đầu tư phát triển toàn bộ mạng CHK, để lại DN nhà nước đầu tư quản lý khu bay là không công bằng, về lâu dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của ACV, ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước.
Nếu tiếp tục cắt các nhà ga để xã hội hóa thì chắc chắn sau 5-10 năm nữa, ACV sẽ chỉ là DN hạ tầng công ích, teo tóp. Theo Quyết định 236/QĐ-Ttg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, ACV vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, quản lý khai thác hệ thống CHKSB.
ACV khẳng định đủ năng lực để thực hiện dự án
Cũng theo ông Thanh, Quyết định 236/QĐ-Ttg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, ACV vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, quản lý khai thác hệ thống CHKSB. Ngoài ra, ACV còn có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng trong việc quản lý và đảm bảo khai thác an toàn sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
“Mô hình tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không như CHK Vân Đồn (Quảng Ninh) là một điển hình của việc xã hội hóa, tiếp cận mô hình tiên tiến của thế giới. ACV rất ủng hộ mô hình này. Ở dự án đó, tư nhân đầu tư đồng bộ, từ khu bay đến nhà ga, sân đỗ và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Nếu các nhà đầu tư khác muốn đầu tư hạng mục công trình nào đó trong CHK thì phải được DN CHK Vân Đồn nhượng quyền hoặc liên doanh, liên kết”, ông Thanh nói.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải.
Về nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Theo ông Thanh, CHK Tân Sơn Nhất hiện nay đang quá tải. Công suất thiết kế của Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2018 đã đạt 38,3 triệu khách. Không bao lâu nữa, nếu không được nâng cấp, CHK này sẽ “đóng băng” tại giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã giao cho AVC lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án T3 bằng nguồn vốn ACV, đồng thời mới đây Bộ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho ACV thực hiện dự án. Đây là kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn.
Ông Thanh khẳng định, “ACV là DN đủ năng lực để thực hiện dự án này. ACV cũng là DN cảng, người khai thác cảng theo quy định của pháp luật đối với Tân Sơn Nhất. Tôi khẳng định, nếu Chính phủ đồng ý giao ACV thực hiện nhà ga T3, thì khâu thi công ACV sẽ làm nhanh, làm tốt”.
Lãnh đạo ACV cũng viện dẫn Điều 64 Luật Hàng không dân dụng, xác định về quyền đầu tư của DN cảng đối với hệ thống kết cấu hạ tầng CHKSB; Điều 25 Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT quy định: Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng sân bay thuộc phạm vi được giao quản lý.
Về năng lực ACV trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng CHK, ông Thanh cho biết hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi trong ngân hàng. Dự kiến giai đoạn 2019-2025 ACV tích lũy thêm được nguồn vốn cho đầu tư khoảng 85-87 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 110-120 nghìn tỷ đồng, hoàn toàn có khả năng đảm bảo việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống CHK, kể cả giai đoạn 1 CHKQT Long Thành (vốn ACV chiếm 40-45%), mở rộng Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Quốc, giai đoạn 2 CHKQT Long Thành.
Về tương quan CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và CHK quốc tế Long Thành, theo ông Thanh, việc đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất đã được Tư vấn quốc tế tính toán kỹ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHKQT Long Thành. TSN và Long Thành là cụm cảng phục vụ cho thị trường vận tải hàng không khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, không tách rời.
Theo dự báo của Cục HKVN và Tư vấn quốc tế, đến năm 2025 nhu cầu thị trường của cụm cảng này là 65 triệu hành khách, đến 2030 là 85 triệu hành khách (đây chưa phải là phương án dự báo cao). Như vậy, đến năm 2025, tổng công suất thiết kế của cụm cảng TSN-LT là 75 triệu hành khách là hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thị trường và có thời gian để chúng ta tiếp tục giai đoạn 2 của dự án CHKQT Long Thành.
Hải Lan