Nhà đầu tư BĐS đòi hỏi sự tỉnh táo, kiên nhẫn, đánh giá thanh khoản và rủi ro của suất đầu tư trước khi mơ đến lợi nhuận cao.
Theo ông Võ Sỹ Nhân, biên lợi nhuận bất động sản (BĐS) hiện nay khoảng 20%, nhưng trước khi mơ về con số này cần quan sát lối thoát hiểm và kiểm soát tỷ lệ rủi ro. Đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận 20% nghe có vẻ cao, song khi trừ đi những chi phí rủi ro, quyết toán xong thì mức lợi nhuận không được như vậy.
Theo chuyên gia này, trong thời gian thị trường khủng hoảng, các lãnh đạo doanh nghiệp BĐS còn phải đi học thêm ngành tài chính, rồi chuẩn bị kỹ năng cân đối và thu xếp vốn cho công ty. Ông Nhân cho biết, cuộc đua trên thị trường BĐS hiện nay phụ thuộc rất lớn đến việc điều phối dòng vốn cho các dự án.
Ông Don Lam, CEO VinaCapital cho hay, đứng ở vai trò là công ty quản lý quỹ thì mức lợi nhuận đầu tư BĐS có thể đạt trung bình 22%. Thường thì có khoảng 50% vốn của quỹ dùng để đầu tư vào các công ty BĐS niêm yết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư vào những kênh khác để phân tán rủi ro.
Đứng từ góc độ cá nhân, ông Don Lam khuyến cáo thêm, một khi đầu tư BĐS nên chia sẻ rủi ro theo tuổi tác. Chẳng hạn, nếu càng lớn tuổi thì càng phải chọn hình thức đầu tư lợi tức ổn định, có rủi ro thấp, ít phiêu lưu. Trái lại, người trẻ có thể đầu tư các kênh có nhiều rủi ro với biên lợi nhuận đột biến. Trong trường hợp thắng thì tiến lên còn chẳng may thất bại thì những người trẻ vẫn còn thời gian làm lại.
Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank, Huỳnh Song Hào đứng ở lập trường là nhà đầu tư tài chính cho rằng, các nhà đầu tư nên áp dụng phương pháp chia trứng thành nhiều rổ để giảm tỷ lệ rủi ro.
Theo đánh giá của ông Hào, biên lợi nhuận ngành BĐS ở mức 20-22% là rất cao so với lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng hiện nay. Nhưng nhà đầu tư cũng cần cân nhắc đến tính thanh khoản của ngành này. Chẳng hạn như khi cần vốn và muốn rút tiền ra thì không hề đơn giản hoặc mất thời gian lâu hơn mong đợi.
Vị chuyên gia này khuyến cáo, với làn sóng đầu tư BĐS tiêu dùng để cho thuê mạnh mẽ như hiện nay thì mấu chốt của bài toán là mức giá thuê được cam kết và chào hàng rầm rộ hiện nay duy trì được bao lâu, dài hạn hay ngắn hạn? Người trong cuộc cần có được cái đầu lạnh, tỉnh táo cân nhắc tính bền vững của suất đầu tư.
Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu nước ngoài cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia mới nổi đang trở thành tâm điểm của các dòng vốn quốc tế, trong đó BĐS vẫn là một lĩnh vực thu hút khá mạnh dòng vốn này trong thời gian tới.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, nói rằng: “Với các giải pháp ổn định nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong gần 2 năm qua, chắc chắn trong thời gian tới nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục “bơm” tiền mạnh vào thị trường BĐS. Ngoài ra, việc mở van mức sở hữu trong các công ty niêm yết lên 100%, sẽ giúp các công ty BĐS trong nước trở thành tầm ngắm của các quỹ đầu tư như chúng tôi. Nhìn chung, những năm tới BĐS Việt Nam sẽ rất “hot”.
Còn theo nhận định của công ty JLL Việt Nam, đầu tư bất động sản tại các thị trường mới nổi, như Việt Nam luôn được coi là nơi đầu tư có rủi ro cao nhưng lợi nhuận có tiềm năng cao hơn. Các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào các dự án liên doanh trong các thị trường này, nơi họ sẽ kết hợp với nhà đầu tư trong nước có nhu cầu hỗ trợ vốn - nhằm có một chỗ đứng trước tại thị trường mà sẽ trải nghiệm sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong tương lai khi nền kinh tế các thị trường này tăng nhanh.
Hơn nữa, các thị trường mới nổi có những yếu tố tăng trưởng tiềm ẩn bao gồm gia tăng dân số và tỷ lệ đô thị hóa nhanh, những yếu tố này cho phép các nhà đầu tư, phát triển dự án có thể tận dụng. Các thành phố lớn hiện đang có sự đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, vì vậy một số khu vực sẽ được hưởng lợi từ gia tăng kết nối, do đó sẽ làm tăng giá trị BĐS.
Mai Hoa - (Theo Vnexpress, Trí thức trẻ)