Phiên đấu giá 68 lô đất khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao tại huyện Thanh Oai vào ngày 10/8 đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong những ngày vừa qua.
Tại phiên đấu giá đã có khoảng 1.600 người tham gia với khoảng 7.000 bộ hồ sơ. Kết quả, lô trúng giá đấu cao nhất lên tới 100 triệu đồng/m2 (cao gấp 8 lần so với mức giá khởi điểm). Trong khi lô thấp nhất cũng lên tới 63 triệu đồng/m2.
Từ đầu năm đến nay, các phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất với hy vọng giá trị đất sẽ tăng nhanh trong tương lai nhờ vào các yếu tố như hạ tầng phát triển, quy hoạch mở rộng, hoặc sự gia tăng nhu cầu từ người mua. Đặc biệt, khi khu vực đất đấu giá gần các tuyến giao thông lớn hoặc các khu vực kinh tế trọng điểm, tiềm năng tăng giá càng lớn.
Việc nhiều người tham gia đấu giá đất và giá đất tăng liên tục, tâm lý đám đông có thể khiến nhiều nhà đầu tư khác đổ xô tham gia, dẫn đến sự tăng giá phi mã. Những nhà đầu tư mới thường bị cuốn vào vòng xoáy này với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội lớn, đấu giá đất cũng mang lại không ít rủi ro, như bị thổi giá hoặc tình trạng "bong bóng" giá đất khi giá tăng không theo giá trị thực tế của đất.
Thanh Oai là một huyện ngoại thành khá tiềm năng về bất động sản khi sở hữu tuyến đường 21B và tuyến đường trục phía Nam Hà Nội kết nối với Hà Nam. Tuy nhiên, kinh tế Thanh oai vẫn đang là các làng nghề thủ công và nông nghiệp, chưa phát triển nhiều.
Tham khảo giá bất động sản trong 1 - 2 năm gần đây, dựa vào các yếu tố như khu công nghiệp nhỏ, chợ đầu mối và các tuyến đường kết nối như Vành đai 4, giá đất thổ cư tại Thanh Oai đã tăng mạnh từ mức 8 - 10 triệu đồng/m2 lên đến hơn 30 triệu đồng/m2.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, khu đất đấu giá tại xã Thanh Cao vừa qua có cơ sở hạ tầng khá tốt, nhưng lại không có quy hoạch kết nối mở rộng nào trong tương lai. Chỉ có duy nhất một con đường cũ để vào, và phải di chuyển khoảng 2km mới ra đến Quốc lộ 21B.
Trao đổi với VietnamFinance, một nhà đầu tư đất nền vùng ven Hà Nội cho biết cùng một nhóm nhà đầu tư quen thuộc với khu vực này đánh giá giá trị khu đất ở mức khoảng 40 triệu đồng/m2 cho lô bên trong và 65-70 triệu đồng/m2 cho lô mặt ngoài. Tuy nhiên, giá đấu thực tế đã tăng rất cao, lên đến hơn 100 triệu đồng/m2, điều này gây sốc cho nhiều người, kể cả những người hoạt động lâu năm trong ngành bất động sản.
Theo nhà đầu tư này, giá đấu trên được xem là bị "thổi giá", vượt quá giá trị thực tế. Các nhà đầu tư trong khu vực đã không hứng thú và nhu cầu mua lại khi thấy giá trúng quá cao.
"Một số nhà đầu tư trúng giá cao đã thuê nhân viên đăng bài với mục đích câu view, kích thích người mua. Thực tế, ngay sau khi đấu giá kết thúc, đã có người bán lỗ tới 100 triệu đồng", nhà đầu tư nói.
Nhà đầu tư này cũng cho biết, hiện tại, nhiều tài khoản ảo đang cố gắng đưa tin về việc giao dịch thành công khu đấu giá Thanh Cao nhằm dụ dỗ nhà đầu tư tham gia. Một số môi giới và nhà đầu tư ở các khu vực khác cũng lợi dụng tình hình giá cao từ các cuộc đấu giá để tăng giá ở khu vực của họ.
"Dự kiến, sẽ có nhiều nhà đầu tư bỏ cọc vì với số tiền 5-7 tỷ đồng bỏ vào đây, họ đã mua với giá trị của 3 năm sau", nhà đầu tư cho hay.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, sau 1 tuần diễn ra phiên đấu giá, các lô trúng đấu giá bắt đầu hạ giá chênh xuống.
Anh T.Q - một môi giới có mặt tại khu đất đấu giá, cho biết các lô có diện tích 85m2 thuộc các dãy từ LK01 đến LK06, ban đầu có giá bán chênh là 500 triệu đồng, đến nay giảm xuống còn 100 - 200 triệu đồng/lô. Thậm chí lô đất trúng giá cao nhất 100,5 triệu đồng/m2 có giá bán chênh chỉ còn 150 triệu đồng, trong khi sau phiên đấu giá rao bán chênh 1 tỷ đồng.
Trong năm 2024, thành phố Hà Nội có kế hoạch thu gần 32.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Đến nay, có không ít địa phương đã gần cán đích kế hoạch đặt ra và thậm chí, dự kiến sẽ vượt kế hoạch năm. Để đạt được kết quả trên, nhiều địa phương đã rà soát quỹ đất đẹp, đầu tư hạ tầng đồng bộ để hấp dẫn các nhà đầu tư. |
Vietnamfinance
In bài viết