Dán tem mặt hàng bia: Các ngành chức năng đều đồng thuận

(Kinhdoanhnet) - Tại 2 số báo Kinh doanh & Pháp luật đăng tải 2 bài báo: “Dán tem mặt hàng bia - Tại sao không” và “Dán tem mặt hàng bia - Dù muộn còn hơn không”; nhóm phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật, sau khi trao đổi với một số cán bộ, chuyên viên các ngành chức năng đều nhận được sự đồng thuận với nội dung bản đề án số 10479/BCT-CNN của Bộ Công thương về “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”. Nhiều bạn đọc từ nhiều địa phương trong cả nước qua nhiều kênh thông tin khác nhau cũng bày tỏ sự đồng tình về Chủ trương “Ích nước - Lợi nhà” của bản đề án này.

Tuy nhiên để đảm bảo tính đồng thuận cao trong quá trình triển khai bản đề án này, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 2513/VPCP thì Bộ Công thương cần tranh thủ thêm ý kiến của các ngành chức năng, trên cơ sở đó hoàn thiện đề án trình Chính phủ phê duyệt.

Dán tem mặt hàng bia: Các ngành chức năng đều đồng thuận - Ảnh 1
Hội nghị góp ý dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia

Tại văn bản số 4935/BKHĐT-KTCN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Công thương, do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ký đã khẳng định: “Trước tình trạng sản xuất - kinh doanh bia tại Việt Nam có nhiều tiêu cực như hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương pháp dán tem mặt hàng bia là phương pháp khoa học, giúp Nhà nước chống thất thu thuế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh bia bình đẳng, trung thực, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng xã hội. Tuy nhiên, đề nghị Bộ Công thương cần điều tra, khảo sát số lít bia tiêu thụ mà không được khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước. Nội dung đề án cũng cần xác định lợi ích tăng thu thuế vào khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng sau 10 năm thực hiện và làm rõ cơ sở xác định hiệu quả kinh tế - tài chính của giải pháp này”.

Đồng thuận với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương dán tem mặt hàng bia; tại văn bản số 10210/BTC-TCT của Bộ tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký cũng khẳng định: “Bộ Tài chính cơ bản nhất trí với nội dung đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia. Theo đó, tiến tới xây dựng một hệ thống quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến khâu phân phối, bán lẻ với khả năng truy suất nguồn gốc kịp thời đối với từng sản phẩm bia lưu thông trên thị trường, trên cơ sở dán tem quản lý và giám sát hoạt động sản xuất và kinh doanh bia tại Việt Nam; nắm bắt và quản lý chặt chẽ kịp thời, liên tục, chính xác về quy mô, sản lượng sản xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng bia trên phạm vi cả nước. Từ đó giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các hành vi khai gian về sản lượng, buôn lậu và làm giả sản phẩm bia, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ các nhà sản xuất bia chân chính”.

Văn bản của Bộ tài chính nhấn mạnh thêm: Qua trao đổi trực tiếp với Bộ Công thương và thông qua các cuộc hội thảo bàn về nội dung Đề án, Bộ tài chính được biết: Về cơ bản các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu bia đều nhất trí về chi phí dán tem do doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bia chi trả, tính trên số lượng tem mà mình sử dụng; đồng thời đề nghị khoản chi phí này được coi là chi phí sản xuất hợp lý, được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và được loại trừ khỏi cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Văn bản của Bộ Tài chính cũng giải thích rõ hơn về giải pháp dán tem bia; theo đó “Đối với mặt hàng bia nhập khẩu hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, không thực hiện việc dán tem. Do vậy trong đề án nếu thực hiện việc dán tem đối với bia nhập khẩu phải đưa ra giải pháp cụ thể dán tem đối với bia nhập khẩu phải đưa ra giải pháp cụ thể dán tem đối với bia nhập khẩu tại nơi sản xuất hoặc dán tem sau khi được thông quan và trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ”. Chưa hết, văn bản này còn nêu: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn số 3719/VPCP-V1 về việc giao cho Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu việc tích hợp các loại tem dán trên các loại rượu, bia nhập khẩu và sản xuất trong nước; Bộ tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ dán tem điện tử lên sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Đây là giải pháp cho phép kiểm tra dễ dàng, xác thực tức thời về nguồn gốc hàng hóa.

Bày tỏ về tính cấp thiết của việc dán tem mặt hàng bia, tại văn bản số 1941/BKHCN-CNN của Bộ Khoa học Công nghệ gửi Bộ công thương do Thứ trưởng  Lê Đình Tiến ký cũng khẳng định: “Trước thực trạng hiện nay ở Việt Nam, việc kiểm soát, nắm bắt thông tin chính xác về sản lượng bia sản xuất và lưu thông trên thị trường còn hạn chế thì việc dán tem bia là một trong những giải pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với việc chống hàng giả, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh bia. Giải pháp công nghệ dán tem bia đề xuất trong đề án để quản lý chống thất thu thuế và chống hàng giả có tính bảo mật cao, có khả năng truy xuất nguồn gốc kịp thời đối với từng sản phẩm bia trên thị trường thông qua việc ứng dụng hệ thống quản lý thông tin tập trung là giải pháp mới, tiên tiến, phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”. Tuy nhiên văn bản này của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ rõ: Việc xây dựng hệ thống quản lý tem bia đồng bộ từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương, các lực lượng cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát lưu thông và kết nối trực tiếp đến các nhà sản xuất, nhập khẩu bia là việc làm rất phức tạp cần triển khai và nên chia làm 2 lộ trình. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả triển khai việc dán tem bia trong giai đoạn 1 bia sản xuất, kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Đồng thuận với ý kiến của các ngành chức năng, Bộ Y tế cũng có văn bản số 3947/BYT-ATTP do Thứ trưởng Nguyễn Thành Long ký, trong đó nêu rõ: “Ủng hộ việc xây dựng đề án nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với sản phẩm bia từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ cùng khả năng truy xuất nguồn gốc đối với từng sản phẩm. Nếu đề án được triển khai sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì được sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, tại văn bản số 82/CV-HH gửi Bộ công thương cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Ngành bia thực sự vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của ngành”. Theo văn bản này thì chúng ta chưa quản lý chính xác được sản lượng sản xuất của ngành bia, nhất là sản lượng bia của các cơ sở sản xuất nhỏ, quy mô địa phương. Từ đó tạo khả năng gian lận, trốn thuế đồng thời dẫn đến hệ lụy cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà sản xuất chân chính với những nhà sản xuất kinh doanh bất hợp pháp. Chưa hết, ông Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng này còn chỉ ra rằng: “Tình trạng bia sản xuất lậu, bia giả cũng như bia nhập lậu diễn biến phức tạp. Từ những bất cập nói trên, theo ông Chủ tịch Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam thì để đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng xã hội, nhà sản xuất chân chính và cuối cùng là thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước; Hiệp hội thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu của chủ trương này; theo đó sẽ triển khai một hệ thống quản lý thống nhất, xuyên suốt từ sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, tiêu dùng đối với sản phẩm bia”.

Lợi ích là thế, ở nước ngoài người ta đã làm đưa lại nhiều hiệu quả tích cực, vậy thì ở nước ta tại sao lại không? Đó không chỉ là ý kiến của người viết bài này mà là ý kiến của đông đảo bạn đọc và người tiêu dùng xã hội. Rất mong chủ trương và giải pháp dán tem mặt hàng bia sớm đi vào cuộc sống; dù muộn còn hơn không!

L.V 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục