Đại gia vàng miếng Doji chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Tập đoàn Doji, một trong 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng lớn nhất trong nước vừa mới chi ra gần 2.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.

Thông tin từ chuyên trang công bố thông tin trái phiếu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 12/2022, CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vừa mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu.

Cụ thể, trong ngày 16/12 vừa qua, Doji đã thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã DVPCH2126003 trị giá 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng, được phát hành ngày 9/9/2021 và đáo hạn ngày 9/9/2026.

Lô trái phiếu có lãi suất kết hợp với 4 kỳ tính lãi đầu tiên (mỗi kỳ tính 3 tháng/lần) cố định 8,75%/năm, các kỳ sau tính lãi suất thả nổi cộng biên độ 2,5%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu sẽ được sử dụng để hợp tác kinh doanh, đầu tư với các công ty thành viên trực thuộc tập đoàn Doji, nhằm mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực kinh doanh của tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu cũng có thể được sử dụng với các đối tác trong lĩnh vực tài chính nhằm gia tăng nguồn thu và lợi nhuận của công ty.

Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Doji (Nguồn: HNX)
Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Doji (Nguồn: HNX)

Cũng trong ngày 16/12, Doji tiếp tục mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã DVPCH2126001 có giá trị 300 tỷ đồng được phát hành ngày 24/5/2021 và đáo hạn ngày 24/5/2026. Lô trái phiếu cũng có kỳ hạn 60 tháng.

Đến ngày 20/12, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cũng thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã DVPCH2126004 trị giá 500 tỷ đồng cũng kỳ hạn 60 tháng. Lô trái phiếu này được doanh nghiệp phát hành năm 20/9/2021 và đáo hạn ngày 20/9/2026.

Như vậy, chưa đến nửa tháng, Doji đã chi ra 1.800 tỷ đồng để mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu phát hành năm 2021.

Đại gia vàng miếng Doji chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn - Ảnh 1
Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Doji (Nguồn: HNX)
Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Doji (Nguồn: HNX)

Trước đó, vào tháng 4/2022, nhà kinh doanh vàng này đã chi 110 tỷ đồng để mua lại trước hạn lô trái phiếu mã DOJIL2023001 có tổng giá trị 750 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, được phát hành ngày 31/7/2020 và đáo hạn ngày 31/7/2023. Khối lượng còn lại sau khi mua lại là 640 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu này có lãi suất cố định 9,5%/năm và được trả lãi theo kỳ 3 tháng/lần.

Tập đoàn Doji đã được biết tới là một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực vàng bạc đá quý, tài chính ngân hàng, bất động sản,.. đặc biệt là lĩnh vực vàng bạc đá quý.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Tập đoàn Doji hoạt động theo hình thức tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank). Liên kết góp vốn gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Công ty CP Diana Unicharm, Công ty CP Đầu tư phát triển N&G,..

Bên cạnh đó, Doji còn lấn sân sang mảng bất động sản, những năm gần đây, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào mảng này khi thực hiện các thương vụ thâu tóm quỹ đất, dồn dập huy động vốn cho mục đích mở rộng đầu tư, phát triển ở lĩnh vực bất động sản.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Theo quy định, việc mua lại trước hạn trái phiếu thông thường được thực hiện trong các trường hợp: Mua lại trước hạn theo quyền mua lại của tổ chức phát hành; mua lại trước hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu; mua lại theo thỏa thuận; Mua lại trái phiếu bắt buộc. Tất cả trường hợp đều được công bố minh bạch, rõ ràng trong Bản công bố thông tin tại ngày phát hành.

Trong bối cảnh hiện tại, diễn biến này có khả năng chịu tác động mạnh bởi tâm lý lo ngại rủi ro ở cả phía nhà đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp mua lại trái phiếu còn có mục đích ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính bên phát hành trong bối cảnh về phía nhà đầu tư cũng có một bộ phận muốn bán trái phiếu trước hạn.

Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, một số nhà đầu tư có thể chấp nhận các khoản thuế, phí bán trái phiếu trước hạn, thậm chí chịu “lỗ nặng” để nhanh chóng sang tay trái phiếu - sản phẩm đầu tư do chính mình đã thẩm định và quyết định tin tưởng để xuống tiền trong kỳ hạn được quy định trước. Đây cũng là lý do tình trạng bond-run, rút tiền trái phiếu hàng loạt, yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại.

Theo số liệu của Fiin Ratings, trái phiếu tư nhân được nắm giữ bởi các trái chủ với tư cách cá nhân ở quy mô lớn, ước tính chiếm 33% giá trị trái phiếu lưu hành và hiện có khoảng 300.000 người giữ. Lực lượng này nói riêng, cũng như những nhà đầu tư trên thị trường nói chung đủ sức mạnh để “bóp nghẹt” sức sống không chỉ doanh nghiệp, mà còn tạo hiệu ứng domino trên toàn bộ hệ thống tài chính. Niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính nếu không còn, thì doanh nghiệp ngay cả khi hoạt động tốt, tín dụng tốt cũng không thể phát hành mới. Tiếp theo, cả lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng lớn.

Hoàng Long

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục