Ông Trầm Bê (ảnh trái) nguyên là phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Chiều cùng ngày, một nguồn tin từ cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác nhận cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục bắt giữ và khám xét nhà ông Trầm Bê tại TP HCM. Theo thông tin ban đầu, ông Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 1.800 tỉ đồng.
Từ "ông trùm" buôn gỗ
Có ảnh hưởng lớn trong giới ngân hàng và làm giàu với bất động sản, nhưng thực tế khi khởi nghiệp, ông Trầm Bê lại chọn lâm sản. Là người Việt gốc Hoa, lớn lên là anh cả trong một gia đình nghèo có 4 anh em tại Trà Vinh, ông Trầm Bê gặt hái thành công đầu tiên từ Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh. Sau 10 năm gắn bó với ngành kinh doanh gỗ, Trầm Bê bắt tay vào đầu tư ngành địa ốc bằng việc góp 13% vốn vào công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), với chức vụ thành viên HĐQT (1999). Vào thị trường đúng thời điểm bùng nổ, với 10 năm kinh nghiệm, công ty của ông Trầm Bê vượt qua được những thời kỳ đen tối nhất, đạt mức tăng trưởng tới 36% trong năm tài chính 2009-2010, dù giới buôn bất động sản khi đó “lên bờ, xuống ruộng”. Ngoài bất động sản, doanh nhân 58 tuổi này còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa có quy mô lớn nhất cả nước (bệnh viện Triều An) và Công ty chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Với Sơn Sơn, ông Trầm Bê đã từng tạo nên thế độc quyền trên thị trường nhờ công nghệ chiếu xạ thanh long trong suốt thời gian từ năm 2002-2009. Sau này, ông còn giữ cổ phần chi phối tại Công ty Xây dựng Hàm Giang, đơn vị từng bỏ ra tới 60 triệu USD để mua lại khu trung tâm thương mại châu Á lớn nhất tại Mỹ, là Cupertino Square (San Jose, California). Trước thời điểm 2005, rất ít người Việt biết đến tên tuổi của vị đại gia Nam bộ này. Độ giàu có của gia đình họ Trầm chỉ được biết đến khi con trai cả của ông này là Trầm Trọng Ngân bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Số tiền chuộc được công bố lên tới 10 triệu USD, tương đương 160 tỉ đồng, một con số kỷ lục vào thời điểm đó. Từ đây, câu hỏi về gia tài khủng của gia đình ông Trầm Bê mới được hé mở. Cuối năm 2012, một tin đồn khác về tài sản gia đình ông Trầm Bê lại khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Đó là vụ trộm sừng tê giác tại tư dinh của đại gia này ở Trà Vinh, với giá trị đồn đoán lên tới 4 tỉ đồng, kèm theo nghi vấn về tính hợp pháp của chiếc sừng này. Dù gia chủ khẳng định không biết chính xác cân nặng của chiếc sừng cũng như giá trị của nó, và cho biết đây là tặng phẩm của một người bạn, vụ việc vẫn khiến cho nghi vấn về khối tài sản thực của ông chủ họ Trầm lớn thêm.
Đến “đế chế” Trầm gia tại Sacombank
Song tài chính - ngân hàng mới là nơi đưa tên tuổi ông bay xa nhưng cũng chấm hết cuộc chiến trên thương trường sóng gió. Năm 2004, Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Năm 2008, SouthernBank cho ra đời Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty chứng khoán Phương Nam (PNS). Cũng từ mốc thời gian này, “đế chế” Trầm Bê tại Sacombank cũng được xác lập. Gọi là “đế chế” Trầm Bê là bởi sau khi ông Thành và con trai rút khỏi Sacombank, trong cơ cấu 8 thành viên còn lại của HĐQT Sacombank thì có đến 4 người đều xuất thân từ Southern Bank. Trong thời gian 2,5 năm (từ tháng 12/2012 đến tháng 6/2015), dưới “đế chế” Trầm Bê, nếu so sánh các chỉ số tài chính thì “sức khỏe” của Sacombank có vẻ tương đối khả quan.
Đại gia Trầm Bê bị nhiều cổ đông Sacombank nêu đích danh phải chịu trách nhiệm với thương vụ sáp nhập Sacombank và Ngân hàng Phương Nam.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, Sacombank báo lãi ròng 1.180 tỷ đồng. Con số này chênh lệch không đáng kể so với con số lãi ròng 1.174 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2012. Đặc biệt, nếu xét tỷ lệ nợ xấu thì tại ngày 31/12/2012, giá trị nợ xấu của Sacombank là 1.610 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,46%. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2015, giá trị nợ xấu của Sacombank dù là 1.698 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm về chỉ còn 1,21%. Như vậy, thoạt nhìn thì tình hình Sacombank dưới “đế chế” Trầm Bê có vẻ như đang phát triển khá khả quan. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt (do VAMC phát hành) tại ngày 30/6/2015 mà Sacombank nắm giữ là 6.236 tỷ đồng, thì rõ ràng là tình hình tại Sacombank cũng không “đẹp như mơ” bởi bản chất của khoản trái phiếu đặc biệt trị giá 6.236 tỷ đồng này vẫn là... nợ xấu. Ngày 13/8/2015, Ngân hàng nhà nước đã đồng ý cho 2 ngân hàng SouthernBank và Sacombank sát nhập lại. Ngày 1/10/2015, SouthernBank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Cái tên Ngân hàng Phương Nam chính thức bị xóa bỏ. Sacombank tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của SouthernBank và trở thành ngân hàng lớn thuộc tốp 5 tại Việt Nam với tổng tài sản gần 300 nghìn tỉ đồng.
Ngày 24/2/2017, theo thông báo của Ngân hàng nhà nước, ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) đã có đơn gửi hội đồng quản trị Sacombank xin từ nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị Sacombank. Trên cơ sở đề nghị của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Sở hữu bệnh viện, công ty chứng khoán, ngân hàng,… tài sản của gia đình ông Trầm Bê có thời điểm lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Song những lùm xùm thương vụ sáp nhập của Sacombank khiến ông Trầm Bê và con trai phải dứt áo ra đi. Ông Trầm Bê đã chính thức bị khởi tố vào chiều 1/8 theo lệnh của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) do có những sai phạm liên quan trong đại án Phạm Công Danh.
Trần Ngọc