Đại diện Ngân hàng Nhà nước: "Đúng là có con số 7,3 tỷ USD"

(Kinhdoanhnet) - Liên quan đến thông tin gây sốt trong giới tài chính, ngân hàng Việt Nam về việc tiền gửi ở nước ngoài đang gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng.

Mới đây, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về xu hướng tăng của lượng tiền gửi ra nước ngoài có nhắc tới con số 7,3 tỷ USD trong quý 3/2015, một thông tin gây sốt trong giới tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2016 của VEPR, TS Nguyễn Đức Thành nhận định, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường, tiền gửi ở nước ngoài đang gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước: "Đúng là có con số 7,3 tỷ USD" - Ảnh 1
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Bình luận về thông tin này, Báo Lao động dẫn lời ông Tô Huy Vũ – Vụ trưởng Vụ dự báo – Thống kê tiền tệ NHNN khẳng định: "Đúng là có con số 7,3 tỷ USD, nhưng số liệu này là số liệu được phản ánh trong hạng mục Đầu tư khác ròng trên bảng cán cân thanh toán quý III/2015 mà NHNN đã công bố trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế".

Ông Vũ cho biết thêm, theo số liệu thống kê cán cân thanh toán trong quý III/2015, tiền gửi ở nước ngoài của các NHTM tăng thêm 5,9 tỷ USD. Do hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nên số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước.

Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các TCTD, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính khác…). Trong quý III/2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước.

“Do hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nên số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước. Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính khác…). 

Trong quý 3/2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước”, ông Vũ nói.

Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các ngân hàng thương mại mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng, Vneconomy dẫn lời đại diện Ngân hàng Nhà nước bình luận.

Một số ý kiến cho rằng đây là do tác động của chính sách lãi suất tiền gửi 0% thì không phải vì diễn biến này là của quý 3/2015, trong khi lãi suất tiền gửi 0% bắt đầu thực hiện đối với tổ chức kinh tế từ 28/9 và đối với dân cư từ 18/12/2015. 

Ông Vũ kết luận: "Việc gửi tiền ở nước ngoài là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân".

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục