Đã xử lý 95.000 tỉ đồng nợ xấu

(Kinhdoanhnet) - Khoảng 95.000 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý năm 2016, theo báo cáo đánh giá tổng quan thị trường tài chính 2016 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố ngày 10-11.

Trong số đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính, bán nợ cho VAMC chiếm 21%, xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, thu hồi nợ từ khách hàng và bán tài sản đảm bảo chiếm 52,4%.

Tuy nhiên, báo cáo khẳng định, khối lượng nợ xấu vẫn lớn, bao gồm tỷ lệ nợ xấu báo cáo 2,8% và nợ xấu bán cho VAMC khoảng 4,4% tổng tín dụng.

Báo cáo cho biết, tổng tài sản các định chế tài chính đạt trên 8,4 triệu tỉ đồng (188% GDP), tăng 13% so với cuối năm 2015.

Tài sản các tổ chức tín dụng chiếm 96% tổng tài sản của hệ thống. Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối năm 2015 (dư nợ cho vay từ tổ chức tín dụng: 62,5%; cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán: 37,5%).

Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5% (tháng 12-2015 là 8,4%), lãi suất huy động khoảng 5% (tháng 12-2015 là 4,5%). Nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Vũ Viết Ngoạn nhận xét, tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Thị trường chứng khoán tăng gần 20%; vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%.

Về thị trường chứng khoán, báo cáo cho biết, quy mô thị trường thấp hơn các nước ASEAN, mới chỉ  chiếm 37,5% vốn cung ứng cho nền kinh tế, trong khi các nước ASEAN là trên 50%. Mức độ tự do hóa tài khoản vốn và tính chuyển đổi của tiền đồng Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Sản phẩm chứng khoán chưa đa dạng, chưa có sản phẩm phái sinh…

Liên quan đến những khó khăn trong năm 2017, báo cáo nhận xét, dư địa chính sách hạn hẹp trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI, tiến trình tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu, cũng đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, "ổn định tài chính" sẽ tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2017, báo cáo đã nêu rõ.

Theo Tư Hoàng

TBKTSG

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục