Theo công an TP Đà Nẵng, trong kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội chào mừng 71 năm Cách Mạng Tháng Tám, quốc khánh 2-9… tới đây, công an TP sẽ làm việc với Cục Cảnh sát giao thông thống nhất kế hoạch tập trung kiểm soát việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông ngay tại các nhà hàng, quán rượu bia, xử lý mạnh các đối tượng vi phạm.
Đề xuất cấm các nhà hàng, quán ăn bán rượu bia sau 22h. Ảnh minh hoạ: VNE
Công an TP sẽ tham mưu cho UBND TP có lệnh cấm các nhà hàng, quán ăn uống bán rượu, bia sau 22g và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với địa phương.
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: "Cục CSGT chỉ đạo chúng tôi tham mưu cho UBND thành phố có lệnh cấm các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, bán rượu, bia sau 22h. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng triển khai".
Theo Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng, lợi ích của việc cấm bán rượu, bia sau 22h rất lớn, vì người sử dụng rượu bia sau thời gian này thường gây mất an ninh trật tự, không làm chủ được hành vi khi điều khiển phương tiện dẫn đến tai nạn giao thông.
"Chủ trương là như thế, nhưng chúng tôi sẽ tuỳ theo đặc thù của địa phương để tham mưu cho thành phố", Đại tá Ngọc nói.
Đồng tình với chủ trường trên, ông Huỳnh Tấn Vinh chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng việc cấm các nhà hàng, quán ăn uống bán rượu bia khi quá 22g dù ảnh hưởng đối với một số khách du lịch nhưng nếu Đà Nẵng đã hướng đến xây dựng TP an toàn hơn, văn minh hơn thì chẳng thà mình hi sinh nhu cầu một số nhỏ đó.
Ông Vinh nói: "Hoạt động vui chơi cứ mở cửa hoạt động 24/24 giờ, còn không bán rượu bia cũng không bị ảnh hưởng gì. Ở nhiều nước, một số TP lớn sau 22g người ta cũng không bán bia rượu. Nếu bán thì bị phạt. Việc đó cũng không ảnh hưởng đến du lịch của họ".
Tuy nhiên, với nhiều người dân, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Một chủ cửa hàng ăn cho rằng, nếu cấm bán bia rượu sau 22g thì khi khách yêu cầu mà mình không bán là họ sẽ phản ứng gay gắt ngay. Thực tế đã có nhiều khách phản ứng như vậy. Quy định này nếu thành thực tế chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của rất nhiều người dân.
Chủ cửa hàng này cho rằng, quy định này là vô lý: "Kiểm soát bia rượu đã có pháp luật quy định. Ai có nồng độ cồn trong người mà điều khiển xe đã có CSGT xử phạt, ai gây mất an ninh trật tự đã có công an, chính quyền can thiệp. Người kinh doanh vốn đã vất vả mưu sinh lại phải gánh thêm trách nhiệm này là không nên. Rất vô lý."
Mai Anh (TH theo Tuổi trẻ, Vnexpress)