Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa của Bộ Giao thông Vận tải tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014 tổ chức tại Ninh Bình những ngày cuối tháng 9, tại thời điểm tháng 01-2011, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có 94 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước,trong đó có 4 DN do Thủ tướng quyết định thành lập là Vinashin, Vinalines, Vietnam Airlines và VNR (Tổng công ty Đường sắt), và 90 DN do Bộ trưởng Giao thông quyết định thành lập.
Các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT thời gian đó gặp nhiều khó khăn, nợ phải trả trên vốn điều lệ cao và vượt vốn điều lệ, lãi suất cao, một số DN đầu tư và mở rộng quá nhanh trong khi quản trị yếu kém dẫn đến nhiều DN đứng trên bờ vực phá sản.
Trước thực trạng này, 3 năm qua, Bộ đã thực hiện cổ phần hóa 54 doanh nghiệp, trong đó có 11 DN quy mô lớn như Vietnam Airlines, 10 Tổng công ty 90.
Riêng 9 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp (Tổng công ty Đường sắt việt Nam 2 doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 5 doanh nghiệp, Tổng công ty Xây dựng đường thủy 1 doanh nghiệp, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc 3 doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 1 doanh nghiệp).
Đến nay Bộ còn 42 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và sẽ tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các DN thuộc diện cổ phần hóa trong năm nay và năm tới.
Trong công tác cổ phần hóa, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược. Trong số 10 tổng công ty đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa, có 9/10 tổng công ty nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, 7/10 tổng công ty đã lựa chọn được cổ đông chiến lược.
Về công tác sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp, Bộ đã tiến hành chuyển 10 doanh nghiệp thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về 2 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam; chuyển 24 doanh nghiệp từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6 và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; chuyển Công ty Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa (doanh nghiệp thuộc Bộ) về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Vận tải thủy; hợp nhất 3 Tổng công ty Cảng hàng không thành 1 tổng công ty; phá sản 2 doanh nghiệp; giải thể 1 doanh nghiệp; thành lập mới 9 doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 của 4 Tập đoàn, Tổng công ty. Bộ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 15 Tổng công ty thuộc Bộ. Chính phủ đã phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của 3 Tổng công ty. Bộ đã phê duyệt Điều lệ của 17 Tổng công ty và 08 công ty thuộc Bộ.
Thực hiện tái cơ cấu, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã tập trung thu gọn đầu mối, thoái vốn, chuyển nhượng vốn v.v… tại các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực kinh doanh chính hoặc hoạt động kém hiệu quả để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, đến nay các Tổng công ty đã hoàn thành việc thoái vốn tại 39 doanh nghiệp. Tổng số tiền thu về là 780,681 tỷ đồng.
Thông qua tái cơ cấu, cổ phần hóa, đến nay các doanh nghiệp đã giải quyết được các tồn tại, bước đầu lành mạnh hóa tình hình tài chính, vốn điều lệ tăng, giảm được hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ, bình quân giảm 50%. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp giải quyết chính sách lao động dôi dư cho 14.200 người, với tổng số tiền nhận được là 575,3 tỷ đồng.
Theo Infonet