Đại diện Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả kiểm tra 7 doanh nghiệp đa cấp dự kiến sẽ công bố trong tuần tới.
Vietnet là 1 trong 2 doanh nghiệp sai phạm nhiều nhất trong đợt kiểm tra 7 doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Trước đó, hồi tháng 3/2016, Bộ đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Bộ Công an và các Sở Công Thương địa phương thanh kiểm tra 7 công ty bán hàng đa đa cấp gồm: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet), Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long.
Sau khi có những thông tin về việc đã có kết luận thanh tra rằng “các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản ý cạnh tranh, Bộ Công Thương khẳng định: “Đây không phải quan điểm chính thức của Bộ Công thương, của Cục Quản lý cạnh tranh. Chúng tôi chưa hề có ý kiến chính thức nào. Hiện, những buổi làm việc đó đang được ghi nhận bằng biên bản và tập hợp để đưa ra kết luận cuối cùng”.
Sau một thời gian dài thanh, kiểm tra, đến nay Đoàn kiểm tra liên ngành đã có kết quả sự việc.Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục quản lý Cạnh tranh cho biết, hiện đơn vị đã làm xong báo cáo, đang đợi trình kết luận lên lãnh đạo Bộ vì đây là Đoàn liên bộ nên phải đợi. Dự kiến trong tuần tới sẽ công bố kết quả kiểm tra đối với 7 công ty bán hàng đa cấp nói trên.
Nói về trường hợp của Vietnet, ông Tuấn cho biết, chưa thể chi tiết vụ việc nhưng khẳng định đây là một trong hai doanh nghiệp sai phạm nhiều nhất trong đợt kiểm tra này.
Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam có trụ sở chính tại 30 đường Á Lữ, phường Trần Phú, TP Bắc Giang (Bắc Giang) được Sở Công thương Bắc Giang cấp “Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp số 20-03-00001, do ông Nguyễn Văn Chung làm Chủ tịch HĐQT.
Đăng ký kinh doanh (bổ sung lần 2, ngày 20/6/2014 – PV) của doanh nghiệp này hiện đang bán 9 mặt hàng đa cấp, gồm các sản phẩm: Thực phẩm chức năng CalSoft; thực phẩm chức năng CordyP A+; thực phẩm chức năng Angel; dung dịch vệ sinh NANO BẠC HOA THANH XUÂN có xuất xứ từ Việt Nam; Viên nang mềm Dầu cá biển giọt vàng ALASKA; Trà giải độc đường ruột; Dung dịch giải độc gan mật có xuất xứ từ Hồng Kông; Cao hồng sâm Hàn Quốc (xuất xứ Công ty Hàn Quốc) và Phân bón vi sinh USA (của Hoa Kỳ).
Là doanh nghiệp bán hàng đa cấp được Sở Công thương Bắc Giang cấp GCN bán thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam đã để lại nhiều “tai tiếng”, bị cơ quan chức năng “vạch” lỗi và tước giấy phép.
Cuối năm 2014, Công ty Vietnet bị Sở Công Thương Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hình thức xử phạt, phạt hành vi thứ nhất với mức phạt 30 triệu đồng, lý do Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam bán hàng đa cấp, ký hợp đồng với người tham gia không có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định.
Phạt tiền hành vi thứ hai với mức phạt 12 triệu đồng, lý do Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tổng mức phạt 42 triệu đồng, đồng thời Vietnet bị tước quyền sử dụng giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp 1 tháng.
Tuy nhiên, đến năm 2015 doanh nghiệp này được cấp giấy phép tổ chức bán hàng đa cấp mới nhưng do Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cấp theo Nghị định 42 của Chính phủ.
Hoạt động trở lại, doanh nghiệp này tiếp tục “gây bão” ở nhiều địa phương trên cả nước, kể cả những xã miền núi đặc biệt khó khăn như Thanh Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Không chỉ có vậy, mạng lưới của Cty Vietnet còn lôi kéo lượng lớn sinh viên vào đường dây bán hàng đa cấp của mình.
Mai Anh (TH theo Công luận, Pháp luật Việt Nam)