Trong thời gian gần đây, nhất là dịp cuối năm, tội phạm công nghệ cao liên tiếp dùng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau để chiếm đoạt tiền qua tài khoản ngân hàng.
Để tránh bẫy của kẻ gian, hàng loạt ngân hàng như Seabank, VPBank,... liên tục cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo tái diễn vào cuối năm để khách hàng phòng tránh, phát hiện ngay lập tức liên hệ và phối hợp cùng ngân hàng kịp thời xử lý, ngăn chặn.
Ảnh minh họa
Giả danh bạn bè, người thân, người mua bán hàng
Kẻ gian còn giả danh bạn bè, người thân, người mua bán hàng …nhắn tin điện thoại hoặc qua mạng xã hội như facebook, zalo... để nhờ nạp tiền, chuyển tiền hộ; hoặc lừa khách hàng truy cập vào các link ngân hàng trực tuyến giả mạo, các đường link dịch vụ chuyển tiền quốc tế giả mạo, link chứa mã độc … nhằm đánh cắp các thông tin bảo mật.
Thương hiệu và pháp luật từng đưa tin, vào tháng 3/2019, một khách hàng của Vietcombank bị lừa đảo mất 50 triệu đồng vì bấm vào đường link giả mạo và cung cấp toàn bộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử kể cả mật mã OTP cho đối tượng lừa đảo.
Ảnh minh họa
Giả danh là nhân viên ngân hàng
Kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng, ví điện tử gọi điện, nhắn tin chào mời khách hàng các dịch vụ ưu đãi hấp dẫn hoặc thông báo tài khoản, thẻ, giao dịch của khách hàng gặp sự cố để lừa cung cấp các thông tin bảo mật như mã OTP, mã PIN, …
Để tạo niềm tin, kẻ gian lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo ngân hàng... liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook... Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho khách hàng vay vốn và yêu cầu nộp khoản tiền là "phí bảo hiểm rủi ro" với mục đích chiếm đoạt số tiền trên.
Không ít người bán hàng online đã đăng tải các chuyển khoản bán hàng, vô tình cung cấp các thông tin bảo mật cho kẻ gian.
Theo Thương Trường đưa tin, cuối tháng 10/2019, kẻ gian đã mạo danh là nhân viên của Techcombank lừa đảo một người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội Facebook.
Nữ khách hàng chia sẻ lên mạng xã hội: "Đầu tiên vào lúc 15h47 có 1 số lạ 088 8501xxx và 028 71098xxx gọi cho mình tự xưng là nhân viên của T., nó đọc đúng 100% tất cả các giao dịch của mình ngày hôm qua, đọc đúng cả số thẻ của mình luôn. Nó lựa chọn đúng giao dịch nhiều tiền nhất của mình, đọc đúng số tiền mình đã nhận lẫn lời nhắn gửi “ck mua tom 5,2kg”. Và bảo là hiện tại không xác định được người gửi số tiền này, bên nó sẽ gửi 1 mã OTP cho mình, mình hãy cung cấp mã OTP cho nó, nếu không tài khoản sẽ bị phong toả 72h và số tiền 2.652.000 kia sẽ chuyển hoàn vào tài khoản của người gửi cho mình . Mình không chịu cung cấp mã OTP thì đúng là tài khoản ngân hàng của mình đã bị treo mất 10 phút không giao dịch được".
May mắn là nữ khách hàng này đã không chịu cung cấp mã OTP nên kẻ lừa đảo đã không thể chiếm đoạt được tiền trong tài khoản.
Đặc biệt, thời gian qua, đã có nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Nhất là vào dịp cuối năm khi khối lượng giao dịch trong tài khoản ngân hàng rất lớn.
Tin nhắn Brand Name giả mạo.
Đơn cử một trường hợp gần đây tại VPBank.
Theo đó, ngày 4/12, chị M. nhận tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng một sổ tiết kiệm từ "San so loc vang" tri ân và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải.
Chị Minh đăng nhập vào website nói trên thì hiện ngay tên miền có giao diện màu sắc logo, phông chữ, nền... giống như website của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Cùng lúc, chị nhận được một cuộc gọi tự xưng là "nhân viên ngân hàng" hỏi đích danh tên (cả tên cũ và tên mới chuyển đổi).
Người này đọc số đầu và 4 số cuối của thẻ tín dụng. Sau đó "nhân viên" này thông báo chị đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng và yêu cầu đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải.
Ngay sau đó, chị nhận tin nhắn báo đã vay ngân hàng 360 triệu đồng. 5 giây sau, chị tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng...
Tổng cộng, chị Minh nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ hết 11,5 triệu đồng trong tài khoản.
Giả danh cán bộ công an, tòa án...
Ảnh minh họa
Nhiều kẻ gian sử dụng lừa đảo chiếm đoạt số tiền khá lớn, có những vụ trên 10 tỷ đồng, đó là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án … thông báo thông báo tài khoản bị tội phạm xâm nhập hoặc khách hàng liên quan đến một vụ án và đề nghị cung cấp thông tin bảo mật (thông tin tài khoản, mật khẩu…) để hỗ trợ điều tra hoặc yêu cầu chuyển tiền/nộp phí… để phục vụ điều tra. Nhiều trường hợp tưởng thật, cung cấp toàn bộ thông tin, kể cả mật khẩu, OTP cho kể lừa đảo.
Đây là chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi khiến nhiều khách hàng rơi vào bẫy.
Tờ Thanh Niên từng đưa tin, cuối tháng 9/2019 ông N.L.Đ đến ngân hàng Vietinbank trên địa bàn Q.2, TP.HCM yêu cầu mở 1 tài khoản thanh toán, có đăng ký dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ 740 triệu đồng trong sổ tiết kiệm vào tài khoản.
Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, thường xuyên ra ngoài nghe điện thoại nên nhân viên ngân hàng nghi hoặc có điều gì khuất tất bên trong.
Sau khi được trấn an và động viên, ông Đ. cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi từ một người lạ xưng danh là công an. Họ yêu cầu chuyển hết số tiền tiết kiệm vào tài khoản chỉ định để Bộ Công an điều tra, xác minh do ông có liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền xuyên quốc gia.
Sau đó, nhân viên ngân hàng đã đề nghị ông Đ. trình báo cho cơ quan công an vụ việc trên.
Vì vậy, các ngân hàng liên tục khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác trước những thủ đoạn trên, nhất là khi có ai đề cập việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu truy cập…
Hà Phương (t/h)