Thành lập hơn 26 năm, Ngân hàng Cổ phần Thương mại Quân đội (MB) hoạt động theo mô hình cổ phần, đồng thời là một trong những ngân hàng thuộc top có lợi nhuận khủng mỗi năm. Tuy nhiên, MB cũng vướng không ít lùm xùm, từng gây hoang mang dư luận.
MB gặp sự cố lỗi giao dịch online vượt hạn mức
Thông tin trên báo Lao Động, vào ngày 8/1/2020, một số khách hàng cá nhân sử dụng thẻ rút hoặc thanh toán, chi tiêu vượt quá số dư, hạn mức thẻ của MB cấp cho khách hàng.
Theo đó, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin về việc "hệ thống của MB Bank gặp lỗi khiến người dùng có thể dùng thẻ debit thanh toán như thẻ tín dụng, không có tiền vẫn thanh toán được" gây xôn xao dư luận.
Nhiều người còn cho biết một số trường hợp phát hiện đã lợi dụng để thanh toán cho các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các "ông lớn" nước ngoài như Google, Facebook...
Một mạng xã hội cho biết: “Khách hàng đã rút một số lượng lớn tiền để mua đồ công nghệ tại hệ thống cửa hàng của FPT, Thế Giới Di Động, và thậm chí là mua hẳn Mercedes Maybach S600 có giá 14 tỷ”. Kết quả là MB được cho là đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Một người dùng dịch vụ ngân hàng MB đã đăng tải đoạn tin nhắn MB thông báo thẻ bị khóa do nghi ngờ phát sinh giao dịch gian lận/giả mạo.
Một người nhận tin nhắn mời lên MB chi nhánh Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội để giải trình về các thanh toán bất hợp pháp.
Trên mạng cũng lan truyền ảnh chụp được cho là email nội bộ về việc Tổng giám đốc MB đã chỉ đạo ban lãnh đạo các chi nhánh khẩn trương làm việc trực tiếp với từng khách hàng để thu hồi tổn thất nhanh nhất cho MB.
Theo đó, ngay trong ngày 8/1/2020 và sáng 9/1/2020, các chi nhánh phải thực hiện gọi điện và gặp trực tiếp khách hàng để yêu cầu khách hàng hoàn trả tiền cho MB. Quá trình làm việc với từng khách hàng bắt buộc phải có sự tham gia của cán bộ quản lý chi nhánh và chuyên viên quản lý khách hàng trực tiếp (trong trường hợp cán bộ quản lý chi nhánh cần).
Sau đó, đã xuất hiện ảnh chụp được cho là biên bản làm việc giữa MB và một khách hàng liên quan đến sự việc này, trong đó khách hàng cam kết tự nguyện hoàn trả toàn bộ số tiền giao dịch "trái phép", bao gồm cả tiền lãi phát sinh theo quy định.
Có nguồn tin còn cho biết thiệt hại của MB không lên tới hàng trăm tỷ đồng như lời đồn mà dưới 50 tỷ đồng. Đáng chú ý có khách hàng sau nhiều lần giao dịch, tài khoản đã âm hơn 200 triệu đồng. Đồng nghĩa là người này đã tiêu nhiều hơn 200 triệu đồng so với số tiền thực có của mình.
Sự cố khiến dư luận vô cùng hoang mang, nhất là người đang sử dụng dịch vụ tại ngân hàng này.
Trước hàng loạt thông tin bủa vây, chiều ngày 9/1 MB đã phát đi thông cáo thừa nhận gặp sự cố lỗi giao dịch online vượt hạn mức. Ngân hàng này cũng khẳng định sự cố đã được khắc phục.
"Ngay sau khi phát hiện sự việc, MB đã thực hiện phong tỏa tài khoản thẻ của nhóm khách hàng này và yêu cầu hoàn trả các khoản đã chi tiêu vượt hạn mức theo đúng quy định. Sự cố này không gây ảnh hưởng đến MB và tài sản của các khách hàng khác tại MB", ngân hàng này khẳng định.
Đặc biệt, MB phủ nhận thông tin được lan truyền trên mạng xã hội khi khẳng định: “Hiện trên các trang mạng xã hội, các trang tin không chính thống, đặc biệt là Facebook có nhiều thông tin không chính xác về vấn đề này. MB đã thực hiện các biện pháp, báo cáo tới các đơn vị chức năng có thẩm quyền”.
Khách hàng lo “mất Tết” khi sử dụng dịch vụ của MB Bank
Cũng vào đầu năm 2019, trên báo Dân Sinh đưa tin, một số khách hàng của MB bức xúc phản ánh về việc ngân hàng này trừ tiền trong tài khoản của khách hàng sau khi khách hàng đã thực hiện đầy đủ các cú pháp (thủ tục) chuyển tiền tới số tài khoản khác. Sau đó, tin nhắn Internet Banking đã thông báo tới khách hàng về việc trừ tiền trong tài khoản thế nhưng sau một khoản thời gian dài phía người nhận vẫn chưa thể nhận được tiền chuyển đến.
Anh N.V. A bức xúc chia sẻ: “Vừa rồi tôi lấy được hơn chục triệu tiền lương, trong khi đó bạn tôi lại đang gặp khó khăn không có tiền về quê ăn tết vì nhà ở xa. Tôi đã chuyển cho bạn tôi tiền để bạn tôi kịp về quê ăn tết. Sau khi thực hiện các bước chuyển tiền từ số tài khỏan của tôi tại MB Bank, điện thoại tôi đã nhận được tin nhắn chuyển tiền thành công nhưng sau nhiều giờ bạn tôi vẫn chưa thể nhận được, tết thì đã cận kề”.
Tương tự, chị N.T.H - một trong những khách hàng của MB rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” cho biết: “Tôi chuyển khoản qua dịch vụ của MB Bank sang số tài khoản khác. Một phút sau đó đã thấy tin nhắn thông báo chuyển tiền thành công nhưng nhiều giờ sau tài khoản ngân hàng kia vẫn chưa nhận được tiền. Không hiểu vì lý do gì mà phía ngân hàng đã trừ tiền mà vẫn không chuyển tiền cho người thân của tôi. Công việc cuối năm thì nhiều, em tôi thì đang cần gấp số tiền đó”.
Một "nạn nhân" của MBBank tố trên mạng xã hội. Ảnh: Baodansinh.
Ngoài ra, trong năm 2019 ngân hàng này còn vướng vào lùm xùm vụ Nhật Cường Mobile. Từng có doanh nghiệp “tố” bị ngân hàng này o ép dẫn tới phá sản.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết đến hết năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 400.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2018. Tài sản sinh lời tăng trưởng 13% và chiếm tỷ trọng 96% tổng tài sản của ngân hàng.
Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2018 và vượt 5% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong khi tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, dưới 1%.
PV