Năm 2015, Việt Nam tiếp tục là một trong các quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất trên thế giới
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu BIDV cho thấy, năm 2015, Việt Nam tiếp tục là một trong các quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất trên thế giới. Lượng kiều hối ước tính sẽ đạt khoảng 13-14 tỷ USD trong năm nay và có xu hướng tập trung vào tiền gửi ngân hàng, đầu tư sản xuất kinh doanh và mua nhà đất.
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2014 khoảng 12,5 tỷ USD. BĐS chính là ngành thu hút kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, tính tới cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối đổ về khu vực này ước tính đạt 3,25 tỷ USD, cả năm nay dự kiến là 5,5 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ kiều hối chảy vào địa ốc khoảng 20,7%.
Qua mỗi năm, kiều hối về Việt Nam hầu hết đều tăng. Tuy nhiên, nhiều khả năng năm nay sẽ sôi động hơn, nhất là ở thị trường địa ốc. Sự ấm lên của thị trường này là cơ sở để thu hút dòng kiều hối tăng cao. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách cơ chế, chính sách, hội nhập, thúc đẩy tự do hoá tài chính. Một vị chuyên gia cho biết, người nhận kiều hối không phải đóng thuế thu nhập và việc Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 với các quy định thông thoáng, mở rộng hơn cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một trong các cơ sở để tin rằng ngoại hối sẽ tập trung “nở rộ” ở lĩnh vực này.
Thời điểm cuối năm là những tháng “nước rút” doanh nghiệp phải chạy hết tốc lực trong cuộc đua tìm kiếm lợi nhuận, hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đặt ra, tạo tiền đề cho vốn dư trong năm sau nên họ thường tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Theo Lãnh đạo của Sacomreal, tất cả các doanh nghiệp BĐS đều đang nỗ lực hết sức để hoàn thành những hạng mục cũng như giới thiệu nhiều dự án để đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Vị này nhấn mạnh, thị trường sôi động, người mua nhà sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Trên thực tế, bên cạnh các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư chứng khoán, mua vàng... đầu tư vào nhà đất vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Đặc biệt, với những người Việt Nam đang ở nước ngoài muốn về nước sinh sống, làm việc hay những người đi lao động xuất khẩu thì nhu cầu gửi tiền về nước nhờ người thân đầu tư vào địa ốc khá lớn. Bởi vì, người Việt Nam xưa nay vẫn quan niệm có an cư mới lạc nghiệp. Hơn nữa, lãi suất tiền gửi USD giảm cũng được xem là có tác động đến việc khách hàng quan tâm hơn tới những kênh đầu tư khác, trong đó nổi lên là địa ốc.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia trên thị trường BĐS, việc Hiệp định TPP được ký kết sẽ có những tác động rất tích cực đến thị trường BĐS Việt Nam. Theo đó, dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực BĐS được dự báo sẽ tăng mạnh trong vòng 2 đến 3 năm tới.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cho rằng, ngay sau khi có thông tin các phiên đàm phán TPP đã kết thúc tốt đẹp, trong giai đoạn 5-10 năm tới thị trường Việt Nam sẽ hoàn toàn khác và sẽ đóng vai trò là cửa ngõ kết nối với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực và vươn ra cả các nước tiên tiến khác.
Ngoài một số ngành có khả năng thu hút một lượng lớn vốn FDI thì BĐS có thể khẳng định rằng sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong xu hướng này. Điều đó có thể là do các nhà đầu tư tiềm năng thấy rõ xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo, vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư để có sản phẩm phục vụ cho giai đoạn mới khi mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia nhận định việc Luật Nhà ở sửa đổi quy định việc người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam chính thức có hiệu lực từ 01/07/2015 cũng là một trong những lợi thế giúp thị trường BĐS thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Kinh tế & Đô thị, Trí thức trẻ)