Cuộc chiến thuế quan: Hàng Việt xuất sang Mỹ nguy cơ bị áp thuế cao hơn?

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đặt Việt Nam trước nhiều thách thức như Mỹ có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá nhiều hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tỷ giá có thể gia tăng với xu hướng mạnh lên của USD...

Ngay từ đầu tháng 2/2025, thương mại toàn cầu đã rơi vào tình trạng biến động mạnh trước những chính sách thuế quan chưa từng có của Tổng thống Donald Trump giáng lên ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico.

Với Việt Nam, theo các chuyên gia, tuy không phải đối tượng bị áp thuế nhưng khó tránh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh thương mại khi là quốc gia có độ mở cao về xuất khẩu và thu hút FDI.

Với Việt Nam tuy không phải đối tượng bị áp thuế nhưng khó tránh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh thương mại khi là quốc gia có độ mở cao về xuất khẩu và thu hút FDI.
Với Việt Nam tuy không phải đối tượng bị áp thuế nhưng khó tránh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh thương mại khi là quốc gia có độ mở cao về xuất khẩu và thu hút FDI.

Chí phí nhập nguyên vật liệu sản xuất tăng cao

Nhận định về thách thức của Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan trở lại và xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, rủi ro đầu tiên đối với Việt Nam đó là chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất có thể tăng do tác động từ giá thế giới và biến động tỷ giá, kéo theo chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm bị đội lên.

“Điều này sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp sản xuất, đồng thời khiến giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát”, bà Hương nói.

Việc hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị hạn chế có thể dẫn đến tình trạng dư thừa và tràn vào thị trường Việt Nam, làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng có thể gặp khó khăn khi Bắc Kinh ưu tiên tiêu thụ hàng hóa nội địa để hỗ trợ nền kinh tế.

Một rủi ro khác là khả năng Trung Quốc lợi dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển, lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn “Made in Vietnam’ để né thuế của Mỹ. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt thương mại tương tự như những gì Washington đã áp dụng với Trung Quốc.

Tương tự, Th.S Lê Vũ Thanh Tâm, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cũng chỉ ra điểm đáng lo ngại rằng, Mỹ có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá nhiều hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam ngày càng lớn, đây là một rủi ro khá rõ nét.

Cùng với đó còn là rủi ro về tỷ giá gia tăng với xu hướng mạnh lên của USD. Việc tăng cường bảo hộ thương mại của Mỹ có thể làm USD tăng giá. Do được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch thương mại và tài chính toàn cầu, nên biến động của USD cũng ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, kéo theo việc thắt chặt tài chính, dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính và suy giảm tăng trưởng tại các nước mới nổi và đang phát triển.

“Việc USD tăng giá khiến các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với rủi ro tín dụng khi các khoản nợ được định giá bằng USD trở nên khó thanh toán hơn”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Trong nguy có cơ

Mặt khác, cũng theo bà Hương, đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho Việt Nam khi thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng cao, nhiều doanh nghiệp quốc tế buộc phải dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc để giảm thiểu chi phí và rủi ro.

“Với lợi thế về vị trí địa lý, chi phí sản xuất cạnh tranh và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia”, bà Hương cho hay.

Nhiều doanh nghiệp quốc tế buộc phải dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc để giảm thiểu chi phí và rủi ro.
Nhiều doanh nghiệp quốc tế buộc phải dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc để giảm thiểu chi phí và rủi ro.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, thực tế này đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sau khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khi đó, chính sách áp thuế của ông Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ và quốc tế rời khỏi Trung Quốc, và Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một điểm đến ưu tiên của dòng vốn FDI.

Nhiều “ông lớn” trong ngành sản xuất thế giới đã gia tăng đầu tư và dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong giai đoạn này, đơn cử như Samsung, LG, Foxconn hay Apple, Intel…

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Thomas Nguyễn, Giám đốc Thị trường Toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh rằng, trong nguy có cơ.

Theo đó, các công ty đa quốc gia có thể dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh thuế và điều này tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất.

“Việt Nam có thể tham gia ‘cuộc chơi’ với các nhà đầu tư trên thế giới. Tuần trước, tôi đọc được một khảo sát từ Nhật Bản cho thấy có khoảng 800 các nhà sản xuất và công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc, trong đó khoảng 200 công ty đã chuyển sang Việt Nam,” ông Thomas Nguyễn chia sẻ.

Theo ông Thomas Nguyễn, Việt Nam có rất nhiều dư địa cho phát triển và sản xuất trong nước. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy Việt Nam với những cơ hội. Đây là một tiềm năng, một lợi thế để phát triển quốc gia.

Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Trong bối cảnh mới, Việt Nam còn có thể khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong khu vực, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

Kỳ Thư

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục