Cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ khách hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Một trong số tiêu chí là cửa hàng tiện lợi “chủ yếu phục vụ đối tượng là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m”...

 

Một trong số tiêu chí trong dự thảo Thông tư là cửa hàng tiện lợi “chủ yếu phục vụ đối tượng là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m”
Một trong số tiêu chí trong dự thảo Thông tư là cửa hàng tiện lợi “chủ yếu phục vụ đối tượng là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m”
 

Tiêu chí gây tranh cãi

Trong dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, tại điều 5 về tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet có nêu rõ: Cửa hàng tiện lợi có vị trí đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người; diện tích kinh doanh từ 30m2 đến dưới 200m2;

Hàng hoá chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh; số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng; Chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân; thời gian có thể hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày; đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m… Về tiêu chí đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.

Theo các chuyên gia và quản lý nhiều cửa hàng tiện lợi, tiêu chí này thực tế khó kiểm soát và không nhất thiết phải đưa vào luật. Tiêu chí này nếu là một sự mô tả về tính năng thì được. Bởi việc khách hàng ở ngoài phạm vi bán kính 500m tới và mua sắm ở cửa hàng tiện lợi không phải ít. Cửa hàng tiện lợi sinh ra là để phục vụ mọi đối tượng người dùng, mọi khách hàng. Việc phân chia như dự thảo là cứng nhắc.

Dự thảo cũng nêu tiêu chí của siêu thị hạng I, siêu thị hạng II; siêu thị mini; trung tâm thương mại... Ở siêu thị hạng I, gồm siêu thị kinh doanh tổng hợp, thì diện tích kinh doanh từ 3.500m2 trở lên; Kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên…

Siêu thị chuyên doanh có diện tích kinh doanh từ 1.000m2 trở lên; chỉ kinh doanh một ngành hàng chuyên biệt, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 2.000 tên hàng trở lên…

Đồng thời, ở các loại hình kinh doanh này, dự thảo cũng nêu rõ tiêu chí, các điểm kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp; các thiết bị kỹ thuật bảo quản, sơ chế, đóng gói, bán hàng và quản lý kinh doanh... Trong quy định về trách nhiệm phân hạng, tên gọi và biển hiệu, dự thảo nêu, thương nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại tự tiến hành, phân loại, phân hạng loại hình hạ tầng thương mại kinh doanh dựa trên các tiêu chí quy định.

Thương nhân kinh doanh hạ tầng thương mại phải thực hiện phân loại, phân hạng loại hình hạ tầng thương mại kinh doanh và đặt tên đúng loại hình theo các tiêu chí quy định. Các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định không được đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài (như Supermarket, Hypermarket, Big Mart, Big Store, Shopping Center, Trade Center, Plaza...).

Bộ Công thương cho biết, Thông tư này sẽ thay thế Quyết định 1371 ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo một luật sư, thông thường doanh nghiệp sẽ tự phân loại các loại hình kinh doanh để quảng bá và giúp người tiêu dùng nhận biết. Nhà nước chỉ can thiệp khi doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, phân loại nhập nhèm nhằm đánh lừa người mua.

Một trong số tiêu chí với cửa hàng tiện lợi mà Bộ Công thương đang dự thảo vô hình trung đã giới hạn quyền tiếp cận mua của khách hàng. Nhà nước không nên đưa ra các tiêu chí phân loại đơn thuần, mà cần hướng tới việc quản lý đảm bảo tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, mua bán công khai, minh bạch.

Tức là, các tiêu chí phát triển loại hình hạ tầng thương mại như siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi... cần đi sâu vào quản lý chất lượng, dịch vụ để tăng cạnh tranh giữa các loại hình bán lẻ, thay vì các quy định quá chi ly như về diện tích, phạm vi bán kính phục vụ hay số lượng hàng được bán trong mỗi cửa hàng, siêu thị...

Lí giải về tiêu chí “cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách trong 500 m”, Bộ Công thương cho rằng, các tiêu chí không nhằm cấm, hạn chế khách mua tại cửa hàng tiện lợi và đã tham khảo kinh nghiệm các nước. Tiêu chí trên không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ, khách mua của cửa hàng tiện lợi. Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, và là cơ sở để các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Ngoài ra, các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi hay trung tâm outlet được ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, tài liệu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Về thẩm quyền và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, theo Bộ Công thương, sẽ phải theo các quy định hiện có, với lĩnh vực thương mại là Nghị định 98/2020. Cơ quan này cũng nhấn mạnh mục đích khi xây dựng dự thảo Thông tư này, là phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và phục vụ việc quản lý Nhà nước ngành Công thương.

Đồng thời, các quy định tại dự thảo Thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác; cũng như không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh.

Kiến nghị bỏ hẳn các đề xuất không khả thi, thiếu minh bạch

Góp ý với dự thảo này, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công thương bỏ các đề xuất không khả thi, thiếu minh bạch và dễ gây hiểu lầm, như cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500 m.

Cũng theo VCCI, dự thảo còn đưa ra một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, và làm tăng chi phí không cần thiết. Chẳng hạn, dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet phải có nơi trông xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng thuận tiện cho khách hàng, giúp họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có sẽ bị mất khách. Tức là, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Theo VCCI, dự thảo còn đưa ra một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, và làm tăng chi phí không cần thiết
Theo VCCI, dự thảo còn đưa ra một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, và làm tăng chi phí không cần thiết
 

Hay quy định siêu thị hạng I và II phải có nơi bảo quản hành lý cá nhân, phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng..., VCCI cũng cho là không cần thiết, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư này cũng đề xuất nhiều quy định như siêu thị, trung tâm thương mại phải có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá; công trình kiến trúc vững chắc, thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại; cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng...

VCCI cho rằng, các quy định như trên có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt doanh nghiệp, nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức.

VCCI đề nghị Bộ Công thương bỏ quy định Sở Công thương tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị kinh doanh cho các loại hình hạ tầng thương mại, được nêu trong dự thảo Thông tư. Lý do, Sở Công thương là cơ quan quản lý hành chính, không phải đơn vị sự nghiệp. Nếu sở cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ dẫn tới xung đột lợi ích.

Bộ Công thương cho biết, dự thảo Thông tư này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý, nên cơ quan này sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện các nội dung theo đúng quy định.

Ngô Sơn

Pháp Luật và Xã hội
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục