Cú hích từ hạ tầng giao thông đang giúp BĐS Hà Nội phát triển sôi động

(Kinhdoanhnet) - Đó là nhận định của ông Marc Townsend, TGĐ CBRE Việt Nam. Theo đó, ông cho rằng, sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông là điểm nhấn quan trọng của thị trường BĐS trong năm qua.

Cú hích từ hạ tầng giao thông đang giúp BĐS Hà Nội phát triển sôi động  - Ảnh 1
Cú hích từ hạ tầng giao thông đang giúp BĐS Hà Nội phát triển sôi động 

Hạ tầng giao thông phát triển đang là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Hà Nội phát triển. Từ lâu, chính quyền Hà Nội đã nhận ra sự bức thiết phải cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhưng lại bế tắc vì không tìm ra giải pháp. Một thời, chính quyền thành phố đã tiến hành bịt một số ngã tư, phân lại luồng ở nhiều tuyến phố, nhưng tình trạng ách tắc giao thông vẫn không được cải thiện. Chỉ đến khi hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây dựng tuyến cầu vượt tại Ngã Tư Sở, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Ngã Tư Vọng... tình hình giao thông mới thông thoáng dần lên.

Ngoài việc xây dựng hệ thống cầu vượt tại những giao lộ quan trọng, Hà Nội cũng xây dựng mới hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường như đường Võ Nguyên Giáp, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, đường Vành đai 2 và 3… Đặc biệt, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội được dự báo là không chỉ giải quyết căn bản vấn đề ách tắc giao thông mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô.

Hạ tầng giao thông phát triển cũng là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển thị trường BĐS. Ông Marc Townsend, TGĐ CBRE Việt nam cho rằng, sự phát triển của hạ tầng giao thông đã trở thành một điểm nhấn quan trọng của thị trường BĐS trong năm qua. Hàng loạt các dự án được mở bán, trong đó, những dự án có vị trí đắc địa, thuận lợi về giao thông, được trang bị đầy đủ hệ thống tiện ích đã hâm nóng thị trường nhà đất.

Ảnh hưởng của hạ tầng giao thông đến sự phát triển của thị trường BĐS được minh chứng rõ nét tại khá nhiều dự án. Trước đây, đường Nguyễn Trãi và Ngã Tư Sở là những tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố, có lưu lượng giao thông rất lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, giao thông ở khu vực này đã được cải thiện đáng kể sau khi các tuyến đường xung quanh được mở rộng và các công trình giao thông mới được đưa vào sử dụng.

Giữa tháng 3/2015 vừa qua, nhằm tiếp tục nâng cấp giao thông trên địa bàn thành phố, chính quyền TP. Hà Nội đã khởi công tuyến đường ven sông Tô Lịch và cầu nối sang đường Láng. Dự án có tổng chiều dài gần 117m, gồm đoạn đường ven sông Tô Lịch rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m và cầu vượt sông Tô lịch rộng 17,5m. Công trình này được dự báo sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình giao thông quanh khu vực Ngã Tư Sở.

Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến là bất động sản phía Đông Hà Nội, khu vực này có nhược điểm là hệ thống giao thông chủ yếu phụ thuộc và đường Nguyễn Trãi để vào trung thâm thành phố. Vì thế, tuyến đường này rất hay xảy ra ách tắc. Vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để khi hệ thống đường sắt trên cao đi vào hoạt động.

Đất thổ cư, nhà phố, chung cư, biệt thự, liền kề tại khu vực phía Đông đang có mức giá thấp hơn khá nhiều so với trung tâm Hà Nội. Nhưng trên thực tế, khi nhiều quận thuộc nội đô có xu hướng giảm giá thì nhà đất ở khu vực phía Đông vẫn giữ giá và đang có xu hướng tăng nhẹ.

Hiện nay, không ít nhà đầu tư vừa và nhỏ đang tìm kiếm nhà đất khu vực này bởi hệ thống hạ tầng xã hội tiện nghi, đầy đủ, môi trường sống ít ô nhiễm và thoáng đãng hơn. Trong tương lai, chắc chắn bất động sản phía Đông sẽ được rất nhiều khách hàng lựa chọn khi tuyến đường sắt trên cao chứng minh được sự tiện ích của nó.

Nhà mặt tiền tại các tuyến phố Hà Nội thường có giá cao và thanh khoản tốt. Tuy nhiên, theo suốt chiều dài, hệ thống đường sắt được xây dựng rất sát với các dãy nhà mặt tiền hai bên bởi đặc điểm chật hẹp của những tuyến phố. Tại các cung đường này, rất khó đoán trước khả năng biến đổi giá nhà đất ở các vị trị vì chưa rõ mức độ ảnh hưởng của độ rung, tiếng ồn của hệ thống đường sắt cùng khả năng che khuất tầm nhìn.

Tuy nhiên, các bất động sản lân cận khu vực những nhà ga của tuyến đường sắt chắc chắn sẽ được hưởng lợi về khả năng kinh doanh nhờ mật độ khách hàng tập trung. Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh mặc dù đã chậm tiến độ nhưng hiện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn chưa chắc chắn về sự an toàn, tiện dụng của hệ thống giao thông này. Tuy nhiên, bộ mặt giao thông của Thủ đô sẽ thay đổi nhờ sử dụng phương tiện đường sắt trên cao.

Trong thời gian tới, khu các công trình này hoàn thiện và đi vào hoạt động, chắc chắn việc rút ngắn thời gian đi lại giữa nội đô và các vùng lân cận sẽ khiến thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tốt hơn.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Xây dựng, Infonet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục