Công ty Thủy Lợi Hà Nội: Trúng thầu trăm tỷ, đóng thuế ít và khối nợ “phình to”

Công ty Thủy Lợi Hà Nội trúng nhiều gói thầu từ hàng chục đến cả trăm tỷ đồng, song mỗi năm đơn vị này chỉ bỏ ra vài trăm triệu đồng để nộp thuế cho Nhà nước. Trong khi đó, khối nợ của doanh nghiệp ngày càng “phình to”.


Một mình một ngựa và quen mặt ở những gói thầu lớn

Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội (công ty Thủy Lợi Hà Nội – PV) có địa chỉ tại số 24B ngõ 535/14 đường Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội (mã số thuế 0101482550). Ông Ngô Quý Mừng là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, kiến trúc và bán buôn các thiết bị máy móc.

Thống kê dữ liệu từ mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, công ty Thủy Lợi Hà Nội trong vai trò độc lập hoặc liên danh đã tham gia 34 gói thầu, trúng 28 gói. Tổng giá trị trúng thầu: 1.409.156.735.525 đồng (Bằng chữ: Một nghìn bốn trăm linh chín tỷ, một trăm năm mươi sáu triệu, bảy trăm ba mươi lăm nghìn, năm trăm hai mươi lăm đồng).

Công ty Thủy Lợi Hà Nội thực hiện các gói thầu với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.
Công ty Thủy Lợi Hà Nội thực hiện các gói thầu với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.

Công ty này là nhà thầu quen mặt tại ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre khi trúng 9/9 gói, tổng giá trị hơn 425 tỷ đồng; trúng 6/7 gói tại ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng tổng giá trị trên 286 tỷ đồng, trúng 3/3 gói tại ban QLDA ĐTXD công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM trị giá trên 82 tỷ đồng.

Công ty Thủy Lợi Hà Nội là nhà thầu quen của một số chủ đầu tư.
Công ty Thủy Lợi Hà Nội là nhà thầu quen của một số chủ đầu tư.

Kịch bản chung trong các gói thầu mà  công ty Thủy Lợi Hà Nội đã trúng, là tỉ lệ tiết kiệm thấp cho ngân sách Nhà nước, không có đối thủ cạnh tranh.  

Đơn cử, Gói thầu xây lắp số 3 (đoạn 2c) tại ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bến Tre vừa được phê duyệt ngày 9/12/2022 có giá dự toán 119.806.522.867 đồng, giá trúng thầu là 119.678.410.525 đồng, tiết kiệm 128.112.342 đồng, đạt tỉ lệ 0,1%. Ở gói này, công ty Thủy lợi Hà Nội liên danh cùng công ty Cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An.

Tháng 9/2022, liên danh Thủy Lợi Hà Nội, công ty Cổ phần sản xuất công nghiệp xây lắp 3 - công ty Cổ phần xây dựng Hoàng Phát trúng gói thầu thi công xây dựng tại ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn trị giá hơn 104 tỷ đồng chỉ tiết kiệm được gần 54 triệu đồng, tỉ lệ tượng trưng 0,05%.

Nhiều gói thầu ở vai trò độc lập, công ty Thủy Lợi Hà Nội cũng không có “đối thủ” dù được đấu thầu rộng rãi, ví dụ như: Gói thầu xây lắp tại Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại, Bến Tre (tháng 11/2022) trị giá hơn 7 tỷ đồng chỉ tiết kiệm được gần 16 triệu đồng, tỉ lệ là 0,2 %.

Cùng ngày 23/9/2022, tại ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng, 2 gói thầu được phê duyệt là gói thầu số 08, trị giá hơn 28 tỷ đồng và 84,2 tỷ đồng, chỉ tiết kiệm tương ứng là 271 triệu đồng (đạt tỉ lệ 0,95%) và 408 triệu đồng (đạt tỉ lệ 0,5%).

Gói thầu số 3.2.2 Thi công xây dựng công trình tại UBND huyện Châu Thành, Hậu Giang (tháng 7/2022) giá trị hơn 25,7 tỷ đồng cũng chỉ tiết kiệm được hơn 331 triệu đồng, đạt tỉ lệ 1,27%...

Theo các chuyên gia kinh tế, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn cao, cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiết giảm tối đa nguồn kinh phí đầu tư, giảm tải gánh nặng cho ngân sách địa phương, ngân sách Nhà nước.

1 vốn 10 nợ, lợi nhuận lẹt đẹt

Việc liên tiếp trúng thầu ở các dự án công là một trong các yếu tố đưa về cho công ty Thủy Lợi Hà Nội hàng trăm tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.

Theo dữ liệu mà phóng viên có được, trong giai đoạn 2018-2021, doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi ghi nhận doanh thu lần lượt là 128 tỷ đồng; 137 tỷ đồng; 237 tỷ đồng và 384 tỷ đồng.

Công ty Thủy Lợi Hà Nội: Trúng thầu trăm tỷ, đóng thuế ít và khối nợ “phình to” - Ảnh 1

Trong khi đó, lãi sau thuế của công ty Thủy Lợi là 603 triệu đồng; 642 triệu đồng (2018-2019); tăng lên 988 triệu đồng và 1,2 tỷ đồng (2020-2021).

Với hiệu quả kinh doanh èo uột như vậy, mỗi năm doanh nghiệp chỉ phải chi ra khoảng vài chục, đến trăm triệu đồng cho khoản nộp thuế Nhà nước. Cần nhấn mạnh rằng, nguồn thu của công ty Thủy Lợi Hà Nội được ghi nhận rất nhiều từ chính ngân sách Nhà nước.

Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận 253,6 tỷ đồng, tăng 13% so với con số 223 tỷ đồng của năm 2020. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần một nửa tổng tài sản ghi nhận ở mức 110 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 54,5 tỷ đồng, chiếm 26% so với tổng tài sản.

Đáng chú ý, điểm đen trong bức tranh tài chính của công ty Thủy Lợi Hà Nội không bắt nguồn từ việc kinh doanh kém hiệu quả mà xuất phát từ cơ cấu nguồn vốn do tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018-2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp luôn đi ngang ở khoảng 22 tỷ đồng. Song, tổng nợ phải trả có sự đột biến khi ghi nhận lần lượt qua các năm là 134 tỷ đồng; 145 tỷ đồng; 223 tỷ đồng và 254 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021 khiến cho hệ số D/E (Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) gấp 10 lần. Một con số đáng báo động.

Việc liên tục gia tăng nợ phải trả trong khi vốn chủ sở hữu gần như đi ngang đồng nghĩa với nguồn vốn của công ty Thủy Lợi Hà Nội được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Được biết, nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, họ phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỉ lệ hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và cách phân bổ nguồn vốn vẫn chưa được hiệu quả.

Nhiều khoản nợ tại ngân hàng TMCP Quân đội

Được biết, kể từ thời điểm năm 2018, công ty Thủy Lợi Hà Nội đã dùng hàng loạt Quyền đòi nợ làm tài sản thế chấp ở ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Điện Biên Phủ, đơn cử như Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 04/HĐXDBQLDA2 ngày27/03/2018 với ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng. Trị giá quyền đòi nợ: 89.399.000.000 đồng.

Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 356/HĐXD-2018 ngày 06/04/2018 với ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre. Trị giá quyền đòi nợ: 15.953.611.729 đồng.

Hay mới đây nhất là Quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 29/HĐXD-BQLDA2 ngày 23/09/2022 và Phụ lục đính kèm; giữa Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng giao thông thủy lợi Hà Nội và ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng.

Quyền đòi nợ từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 71/2021/HĐXD-BQLDA2 ngày 17/12/2021 giữa ban QLDA 2 tỉnh Sóc Trăng và liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sông Hậu và công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội và các phụ lục kèm theo (nếu có).

Đức Huy

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục