Trúng thầu hơn 10 nghìn tỷ, tiết kiệm 0,6%
Tỉ lệ tiết kiệm trong đấu thầu được coi là thước đo đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu ngân sách của mỗi địa phương, đơn vị. Dù không có quy định về mức tiết kiệm bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng thực tế thì tỉ lệ tiết kiệm càng cao, càng có lợi cho ngân sách đầu tư công.
Được biết, Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân (Công ty Phú Xuân - PV) thành lập năm 2006 với mã số thuế 0101185572, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lập dự án đầu tư xây dựng, tư vấn thiết kế và thi công xây dựng công trình.
Trụ sở chính của công ty được đặt tại số 106, ngõ Hoàng 6A, đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Người đại diện là ông Nguyễn Quốc Mến, hiện đang nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc.
Theo dữ liệu trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, công ty Phú Xuân đã tham gia 36 gói thầu, trúng 35 gói, trượt 1 gói. Hầu hết các gói mà doanh nghiệp này trúng thầu đều có giá trị “khủng” lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị trúng thầu của công ty Phú Xuân là hơn 13,5 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 95,55%.
Qua khảo sát ngẫu nhiên 14 gói thầu mà công ty Phú Xuân đã trúng (cả liên danh và độc lập) cho thấy: 11 gói có tỉ lệ quanh mức 0%, gói cao nhất cũng chỉ đạt 1,42%. Tổng giá trị trúng thầu của 14 gói này là 10.693.497.727.956 đồng (hơn 10.693 tỷ đồng), tiền tiết kiệm 64.453.557.535 đồng (hơn 64 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa với việc sau quá trình đấu thầu hàng nghìn tỷ đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách chỉ đạt tỉ lệ là 0,6%.
Đơn cử như Gói thầu EC: Khảo sát toàn bộ dự án tại Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, trong vai trò độc lập, Phú Xuân đã trúng thầu với giá hơn 3.071 tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm sau đấu thầu chỉ trên 36 tỷ đồng, tương ứng tỉ lệ 1,17%.
Hay như tại Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, liên danh Phú Xuân - Lũng Lô - Trường Sơn - DACINCO - Xuân Quang đã trúng gói thầu thi công xây dựng công trình với giá 2.945 tỷ đồng. Với việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu này, chủ đầu tư chỉ có thể tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng sau đấu thầu, đạt tỉ lệ 0,1%.
Tương tự, tại các gói thầu như: Thiết kế và xây lắp hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng có giá trúng thầu 1.030 tỷ đồng, tiết kiệm 5,7 tỷ đồng (0,55%); Gói thầu CM-XL01 tại Ban Quản lý Dự án Hàng hải có giá 952 tỷ đồng, tiết kiệm 8,3 tỷ đồng (0,87%)…
Cần nhấn mạnh rằng, tiết giảm ngân sách cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu, phê duyệt kinh phí cho gói thầu. Ngoài việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực về chuyên môn và tài chính, chủ đầu tư cũng cần thực hiện đúng quy trình, khách quan, minh bạch, tránh gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
Mối quan hệ “thất thường” với Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung
Theo nghiên cứu tìm hiểu, trong số những gói thầu mà Công ty Phú Xuân tham gia thì 2 gói có sự góp mặt của Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung (Công ty Mỹ Dung - PV). Đáng chú ý, sự kết hợp của 2 nhà thầu này tạo thành mối quan hệ “khi thì liên danh trúng thầu - lúc lại thành đối thủ cạnh tranh”.
Cụ thể, 2 doanh nghiệp bắt tay cùng Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai thực hiện gói CM-XL01 tại Ban Quản lý Dự án Hàng hải với giá trúng thầu 952.026.485.149 (hơn 952 tỷ đồng). Gói thầu do Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Quang phê duyệt theo quyết định số 328/QĐ-BQLDAHH ngày 02/12/2022.
Thế nhưng, trước khi mối quan hệ này được thiết lập, bộ đôi đã từng đối đầu nhau trong gói thầu SXKD2022NVDT-02: Thi công nạo vét duy tu cảng biển và luồng nhận nước làm mát TTĐL Duyên Hải tại Ban Quản lý dự án Nhiệt Điện 3 - Chi nhánh Cty TNHH MTV Tổng công ty Phát Điện 1. Kịch bản cho lần đối đầu này là Công ty Phú Xuân giành phần thắng thầu.
Theo tìm hiểu, Công ty Mỹ Dung cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu khi từng tham gia 18/25 gói thầu; tổng giá trị trúng thầu là 4.257.398.052.291 đồng.
Doanh nghiệp này từng tham gia dự án có mức đầu tư “khủng” tại các chủ đầu tư lớn như Ban Quản lý Dự án Hàng hải TP.Hải Phòng (hơn 2.457 tỷ đồng), Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam (901 tỷ đồng), Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (trúng hơn 632 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (119 tỷ đồng)...
Nhiều hợp đồng thi công trở thành tài sản bảo đảm tại ngân hàng
Song song với việc liên tiếp trúng gói thầu có giá trị lớn, công ty Phú Xuân đã nhiều lần vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long, tài sản thế chấp là các loại máy móc, tàu chở hàng phục vụ thi công công trình… và đặc biệt là các hợp đồng thi công xây dựng sau khi trúng thầu tại các đơn vị chủ đầu tư.
Theo thống kê, từ năm 2012 - 2023, tổng số giao dịch vay tại các ngân hàng của công ty Phú Xuân là 58 lần.
Gần đây nhất là giao dịch vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt vào ngày 28/07/2023. Tài sản thế chấp là toàn bộ hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh phục vụ cho hoạt động thi công xây lắp đã, đang và sẽ hình thành từ phương án được MB cấp tín dụng của Công ty Phú Xuân và quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán của Công ty Phú Xuân hình thành từ Hợp đồng số 11072023/HĐTC/ANĐ3-PX ngày 11/07/2023 và các phụ lục đi kèm (nếu có) giữa Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 - Chi nhánh Tổng Công ty Phát điện 1 và Công ty Phú Xuân.
Ngoài ra, công ty này cũng nhiều lần có giao dịch vay vốn tại ngân hàng BIDV chi nhánh Thăng Long. Đơn cử như ngày 7/11/2022 tại hợp đồng số 05/2022/HĐTCQĐN, tài sản thế chấp là quyền đòi nợ/các khoản phải thu Hợp đồng thi công xây dựng công trình số: 09/2022/HĐTC-XL02 ngày 16/04/2022 về thực hiện Gói thầu SH2-XL02: Thi công xây dựng kè bảo vệ bờ phía bờ Bắc đoạn từ Km22+675 đến Km31+340, khu tránh tàu, nhà trạm quản lý luồng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu (Giai đoạn 2).