Nếu đi qua khu vực Ngã Tư Sở, chắc ít ai không chú ý đến Tòa nhà luôn được gắn các poster quảng cáo cỡ lớn ngay góc ngã tư Nguyễn Trãi - Giáp Nhất và trên bản đồ quy hoạch quận Thanh Xuân còn chỉ rõ đó là Tòa nhà Đông Đô. Điều đáng nói đây là một công trình xây dựng sai phép mà diện tích sai phép của nó lên đến cả ngàn mét vuông nhưng vẫn vô tư tồn tại bất chấp việc đối diện nó là cơ quan quản lý nhà nước địa phương: UBND phường Thượng Đình.
Công trình được nhắc đến là tòa nhà Đông Đô tại địa chỉ số 52-54 Nguyễn Trãi. Có lẽ, không ai để ý hoặc đã cố tình làm ngơ đến việc nó được xây dựng sai phép cho đến khi chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Đông Đô) buộc phải thừa nhận tại phiên tòa xét xử công khai khi xảy ra tranh chấp với một đơn vị thuê nhà rằng Tòa nhà chỉ có Giấy phép xây dựng tạm số 631-2012/GPXDT, được cấp bởi UBND quận Thanh Xuân cấp cho bà Nguyễn Thị Kim Dung, diện tích xây dựng tầng 1: 63,5m2, công trình cao 3 tầng, tổng diện tích xây dựng được cấp 229,4m2. Trong khi đó công trình thực tế đang tồn tại là 07 tầng 1 hầm, diện tích mỗi sàn khoảng 300m2, tổng diện tích xây dựng khoảng 2.000m2.
Giấy phép xây dựng tạm số 631 do Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái ký
Giải thích về sự tồn tại của Giấy phép xây dựng tạm có phần lạ lùng này, bà Nguyễn Thị Kim Dung giải trình bằng văn bản với Tòa án quận Thanh Xuân rằng: “Trong thời gian xin giấy phép xây dựng trụ sở vì Tổng Giám đốc đi công tác xa, để tiện cho việc ký hợp đồng nên mang theo con dấu vì vậy tôi đã đi xin phép xây dựng với tên cá nhận mình để kịp tiến độ cho công trình”. Văn bản này được ông Tổng Giám đốc của Công ty CP Tập đoàn Đông Đô đóng dấu và ký xác nhận trình bày của bà Dung là đúng sự thật.
Văn bản do ông Tổng Giám đốc của Công ty CP Tập đoàn Đông Đô đóng dấu và ký xác nhận
Chính quyền ở đâu khi doanh nghiệp xây dựng sai phép
Một công trình được coi là có quy mô lớn, chắc hẳn việc xây dựng không thể hoàn thành trong vài tháng, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền có biết không?
Ngoài trụ sở UBND phường Thượng Đình ngay trước mặt công trình xây dựng sai phép, trụ sở UBND quận Thanh Xuân cũng chỉ cách công trình chỉ chưa đầy 2km. Vậy tại sao Chủ đầu tư vẫn có thể xây dựng mà không gặp phải bất cứ rào cản nào, công trình vẫn tồn tại sừng sững trong rất nhiều năm mà theo đại diện của Công ty Đông Đô khi trình bày tại Tòa là công trình chưa từng bị chính quyền xử lý về vấn đề xây dựng sai phép.
Mặt khác, việc tồn tại của cái gọi là Giấy phép xây dựng tạm cũng là vấn đề cần phải đặt câu hỏi bởi sự “linh hoạt” trong việc cấp phép của UBND quận Thanh Xuân: Chủ sử dụng đất là Công ty CP Tập Đoàn Đông Đô, trong khi Giấy phép xây dựng tạm lại được cấp cho bà Nguyễn Thị Kim Dung.
Khi tìm hiểu về quy hoạch sử dụng đất quận Thanh Xuân, chúng tôi được biết hiện nay tòa nhà của Công ty cổ phần tập đoàn Đông Đô nằm trong diện tích đất được quy hoạch thành khu cây xanh.
Thiết nghĩ, với cách quản lý của chính quyền khi mà một công trình xây dựng sai phép lớn như vậy vẫn ngang nhiên tồn tại thì ai dám đảm bảo rằng khi giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, chính quyền sẽ không kê khai công trình thuộc diện phải đền bù theo quy định của nhà nước?
Liên hệ với UBND quận Thanh Xuân để làm rõ những vấn đề này, chúng tôi liên tục nhận được câu trả lời lãnh đạo bận nên chưa bố trí được lịch gặp với PV. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sau khi đã làm rõ một số vướng mắc đã nêu.
Hữu Nam