Vận chuyển cá ngừ đại dương từ tàu cá lên bờ. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Ngày 21/12, tại cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định đã diễn ra lễ công bố nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định cùng UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức.
Nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định” đã được công nhận theo Quyết định số 38745/QĐ-SHTT ngày 6/6/2018 của Cục Sở hữu và trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với pháp nhân chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho hay, việc đăng ký và được công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Cá ngừ đại dương Bình Định” mới chỉ là bước đầu, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng nhãn hiệu này hiệu quả cao nhất để phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh. Sở rất mong được sự ủng hộ, tham gia tích cực của ngư dân và các cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản trong và ngoài tỉnh.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương chỉ phát triển tại 3 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; trong đó, Bình Định là địa phương có sản lượng khai thác hàng năm lớn, trung bình 10.000 tấn, chiếm trên 50% sản lượng cá ngừ đại dương của cả nước.
Tại Bình Định, nghề khai thác cá ngừ đại dương tập trung chủ yếu tại huyện Hoài Nhơn. Sau khi thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật Bản để khai thác, chế biến và tiêu thụ nội địa cá ngừ đại dương Bình Định từ năm 2015-2017, nghề khai thác cá ngừ đại dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng cộng đã xuất nguyên con sang Nhật Bản được 1.305 kg, được thị trường chấp nhận với mức giá tương đối tốt (bình quân khoảng 237.000 đồng/kg). Tỷ lệ cá đạt chất lượng loại A (xuất nguyên con sang Nhật) chiếm gần 3% số lượng cá được kiểm tra; tỷ lệ cá loại B (fillet) chiếm 83% tổng sản lượng khai thác.
Đồng thời, ngư dân Bình Định đã được tiếp cận với ngư cụ, thiết bị kỹ thuật hiện đại của Nhật và áp dụng quy trình khai thác, xử lý bảo quản cá theo công nghệ Nhật để nâng cao chất lượng cá, tăng giá trị sản phẩm.
Bình Định là tỉnh có nghề cá phát triển mạnh trong cả nước. Tổng sản lượng thủy sản khai thác năm 2018 ước đạt 230.000 tấn./.
Quốc Dũng/TTXVN