“Con tàu” BIDV dưới thời vị “thuyền trưởng” Trần Bắc Hà

(Kinhdoanhnet) – Cống hiến hết mình cho ngành ngân hàng và BIDV, thành công của BIDV hiện tại không thể không kể đến vai trò của vị “thuyền trưởng” tài ba ông Trần Bắc Hà. Sau hơn 8 năm chèo lái ông đã gây dựng vị thế vững chắc cho “con tàu” BIDV.

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, nguyên quán Bình Định. Ông bắt đầu làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vào tháng 2/1981 khi mới 25 tuổi và cho đến nay, trong suốt quá trình làm việc tại BIDV ông đã từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của BIDV từ Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định, Phó Tổng Giám đốc BIDV, Tổng Giám đốc BIDV cho đến Chủ tịch HĐQT BIDV hiện nay. Ông cũng chính là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), Lào (AVIL) và Myanmar (AVIM).

Tháng 1/2008, ông chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiến Thiết Việt Nam (tiền thân của BIDV, đến tháng 4/2012 ngân hàng chính thức chuyển đổi thành gân hàng TMCP và có tên là BIDV). Đánh dấu giai đoạn phát triển mới của BIDV. Thời điểm ông Trần Bắc Hà lên làm chủ tịch HĐQT BIDV vào đầu năm 2008, BIDV chỉ sở hữu gần 13.500 tỷ đồng vốn điều lệ, tổng tài sản ngân hàng ghi nhận vào khoảng 204.511 tỷ đồng.

Sau 1 năm ông Trần Bắc Hà lên nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT BIDV, tổng tài sản ngân hàng tăng lên thành 246.494 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2007. Cho vay khách hàng và huy động vốn cũng có đà tăng trưởng trên 20%. Lãi trước thuế BIDV đạt 2.351 tỷ đồng, lãi ròng sau khi trừ thuế đạt 1.979 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước đó.

Đến năm 2011, BIDV chính thức chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành loại hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và tiến hành cổ phần hoá. Chỉ sau 4 năm điều hành ngân hàng, ông Trần Bắc Hà đã giúp BIDV đã gặt hái rất nhiều thành công. Hết năm 2011, tổng tài sản BIDV tăng gấp đôi so với năm 2007 đạt 405.755 tỷ đồng. Tổng thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt 12.639 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2007, tổng lợi nhuận trước thuế ngân hàng ước đạt 4.220 tỷ đồng, sau khi trừ thuế lãi ròng ngân hàng còn 3.200 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2007.

“Con tàu” BIDV dưới thời vị “thuyền trưởng” Trần Bắc Hà - Ảnh 1
 

Biểu đồ Tổng tài sản BIDV qua các năm từ năm 2008 đến tháng 6/2016. Ảnh: QT.

Với những kết quả vô cùng khả quan đến đầu năm 2012, tại ĐHĐCĐ ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Năm 2012, Ngân hàng chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, vốn điều lệ lên tới hơn 23.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước năm 95,76%, cán bộ công nhân viên nắm 0,56% và các nhà đầu tư qua IPO nắm 3,68%. Năm 2012, ông Trần Bắc Hà cũng tuyên bố sẽ niêm yết cố phiếu BIDV trong quý 2/2012 nhưng sau đó kế hoạch niêm yếu đã không thể thực hiện mà phải đến đầu năm 2014, BIDV mới chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Năm 2012, tổng tài sản BIDV đạt 484.785 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2011. Tổng cho vay khách hàng năm 2012 đạt 334.009 tỷ đồng, tăng 16%, tổng huy động vốn đạt 303.060 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2011. Năm 2012 cũng ghi nhận tổng thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt 13.207 tỷ đồng, lãi trươc thuế ngân hàng đạt 4.325 tỷ đồng, sau khi trừ thuế lãi ròng ngân hàng đạt 3.281 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2011.

Năm 2013 ghi nhận một biến cố lớn với ông Trần Bắc Hà cũng như toàn hệ thống tài chính tiền tệ Việt Nam khi mà kẻ xấu đã tung thông tin sai lệch rằng ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt giữ. Ngay khi thông tin xuất hiện đã gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán như VN-Index giảm 18 điểm, HNX-Index giảm 3,35 điểm. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hoá của thị trường chứng khoán đã bốc hơi 29.000 tỷ đồng chỉ trong 1 phiên giao dịch. Thông tin ngay sau đó đã bị bác bỏ nhưng hậu quả nó đã gây ra là vô cùng lớn.

Đầu năm 2014, BIDV chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mã cổ phiếu: BID. Như vậy BIDV là công ty thứ 354 và là ngân hàng thứ 6 niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 18.700 đồng/cổ phiếu. Tính tới thời điểm đó vốn điều lệ của BIDV là 28.112 tỷ đồng, và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 3 trong toàn hệ thống.

Đến khoảng giữa năm 2015, BIDV chính thức sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) vào hệ thống. Sau sáp nhập BIDV nâng tổng tài sản lên trên 700 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ ngân hàng tăng lên 34 nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2016, BIDV sở hữu 34.187 tỷ đồng vốn điều lệ, là ngân hàng với quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn hệ thống sau Vietinbank. Tổng tài sản ngân hàng đạt 930.268 tỷ đồng; cho vay khách hàng đạt 647.674 tỷ đồng, huy động vốn đạt 692.339 tỷ đồng. Tổng thu nhập 6 tháng đầu năm ngân hàng ước đạt 10.334 tỷ đồng, sau khi trừ khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lãi trước thuế ngân hàng đạt 3.311 tỷ đồng, lãi sau thuế ngân hàng đạt 2.674 tỷ đồng.

 

“Con tàu” BIDV dưới thời vị “thuyền trưởng” Trần Bắc Hà - Ảnh 2

Biểu đồ thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế của BIDV từ năm 2008 – tháng 6/2016. Ảnh: QT.

Thế nhưng 6 tháng đầu năm 2016, BIDV cũng ghi nhận khối lượng nợ xấu tăng vọt, tổng nợ xấu của BIDV tính tới hết ngày 30/6/2016 là 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên thành 2% so với 1,62% cuối năm 2015.

Ngày 1/9 tới đây, ông Trần Bắc Hà sẽ rời nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV sau đúng 8 năm 8 tháng điều hành BIDV. Trong thời gian tại vị ông Trần Bắc Hà đã góp công lớn trong việc xây dựng BIDV trở thành một con tàu vững chắc với vị trí Big3 ngân hàng trong toàn hệ thống.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục