TPBank với mã chứng khoán TPB sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 19.4 với giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu
Chiều ngày 12.4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu TPBank. Theo kế hoạch, 555 triệu cổ phiếu TPBank với mã chứng khoán TPB sẽ chính thức niêm yết trên HOSE vào ngày 19.4 với giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá chào sàn 32.0000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của TPBank ước đạt 17.760 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 8 nếu tính cẩ 3 sàn HOSE, HNX và UpCom.
Tại mức giá trên, P/E và P/B của TPBank lần lượt là 19,4 lần và 2,8 lần, thấp hơn mức bình quân của các cổ phiếu ngân hàng có vốn điều lệ trong khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng là 22,83 lần và 3,08 lần.
Về kết quả kinh doanh quý I.2018, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 513 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Tổng huy động đạt trên 110.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức thấp 0,95%.
Theo ông Nguyễn Hưng, lợi nhuận của TPBank đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Thu dịch vụ tăng trưởng rất tốt so với các kỳ của năm trước, đặc biệt là mảng bancasurance.
CEO TPBank nhận định, với kết quả kinh doanh quý I.2018, TPBank tự tin vượt qua con số lợi nhuận trước thuế mục tiêu 2.200 tỷ đồng đề ra.
Ông Hưng cho biết thêm, tín dụng tiêu dùng đang là mảng kinh doanh được nhiều ngân hàng quan tâm đẩy mạnh và TPBank cho biết sẽ không bỏ qua lĩnh vực này. Bởi vây, TPBank tiếp tục có kế hoạch mở rộng chi nhánh, đặc biệt sẽ hướng tới thị trường phía Nam, địa bàn có sức tiêu dùng cao.
“Xu hướng là huy động phía Bắc, cho vay phía Nam. Với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cao, phía Nam là địa bàn chúng tôi chú trọng khai thác trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hưng cho hay.
Ngoài ra, Digital banking của ngân hàng đang là thế mạnh rất lớn khi tiết kiệm được nhiều chi phí. TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên cho ra livebank, có thể thực hiện 80% giao dịch ngân hàng, tiết kiệm 70% chi phí. Do đó, các phí dịch vụ mà khách hàng phải trả cũng thấp hơn, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường.
TGĐ TPBank Nguyễn Hưng cho rằng mức giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu cho cổ phiếu TPB là hợp lý
Chia sẻ bên lề buổi roadshow xung quanh việc lựa chọn giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu cho cổ phiếu TPB, ông Nguyễn Hưng cho biết: “Chúng tôi đã tính toán rất kỹ dựa trên khả năng sinh lời của ngân hàng sắp tới. Mức giá này cũng được HOSE tính toán rất kỹ và họ chấp nhận mức giá đó thì chúng tôi mới có thể đưa ra được.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số nhà tư vấn niêm yết, họ đưa ra mức giá của cổ phiếu TPB của TPBank vào khoảng 36.000 đồng. Và để cho phiên giao dịch có thêm những thuận lợi. Tôi nghĩ rằng đó là mức giá hợp lý với cổ phiếu TPB, cũng để có thêm tiềm năng tăng giá trong tương lai sau khi niêm yết”.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Nam, đại diện SSI, cần dựa vào quy mô ngân hàng, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng của ngân hàng để đánh giá cổ phiếu.
Ông Nam đánh giá “Trên thị trường chứng khoán, mức giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu của cổ phiếu TPB so với các ngân hàng đã niêm yết là mức giá hợp lý nếu thị trường diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, thị trường chứng khóa biến động lên xuống và khá nhạy cảm, nhà đầu tư cần xác định mức chịu đựng rủi ro của mình”.
Nhận định về tiềm năng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đại diện SSI cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt từ nửa cuối năm 2017 tới nay. Nếu nhìn lại thời gian cách đây 1, 2 năm, không ai có thể nghĩ cổ phiếu ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng ngoạn mục như vậy.
Tuy nhiên, sự khởi sắc của nền kinh tế, sự rã băng của thị trường bất động sản giúp các ngân hàng giải quyết cơ bản vấn đề nợ xấu. Thông qua đó, cách hoạt động kinh doanh cũng tốt lên.
Về mặt kinh doanh, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng nhanh nhất bởi tính chung cổ phiếu trên toàn thị trường, để tăng trưởng lợi nhuận từ 10 - 20% rất khó.
Hàng năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán đều đưa ra kế hoạch với mức tăng trưởng lợi tuận từ 70 - 80%, đây là mức rất cao. Những cổ phiếu có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian dài thường thu hút rất nhiều nhà đầu tư tổ chức, cá nhân.
Về khả năng bán vốn cho nhà đầu tư ngoại trong tương lai hay không, bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó TGĐ TPBank, cho biết sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ 15% cho nhà đầu tư thì room cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn 0,77%. Hiện nay, trong cơ cấu cổ đông có 2 nhà đầu tư nước ngoài lớn là SBI, IFC với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nếu trường hợp Nhà nước cho phép mở rộng hơn cho nhà đầu tư ngoại thì đó cũng là cơ hội cho TPBank.
“Vừa qua có thêm nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư thực sự quan tâm tới TPBank, thậm chí muốn đầu tư hàng tỷ đô nhưng room chỉ còn thấp nên chưa thể hợp tác. Thực tế, không phải chỉ riêng TPBank mà nhiều ngân hàng khác cũng đã kín room ngoại”, bà Hương cho biết thêm. |
Theo Danviet