Nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu hưởng lợi từ giữa tháng 2 trước áp lực gia tăng căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên cổ phiếu PVO chỉ bắt đầu nhịp tăng từ ngày 21/2, khá trễ so với các cổ phiếu khác trong cùng nhóm nhưng lại bứt phá vô cùng mạnh mẽ khi tăng gấp đôi chỉ trong vòng nửa tháng.
Cổ phiếu PVO tăng gấp đôi sau nửa tháng
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/3, cổ phiếu PVO tăng trần với mức giá 21.900 đồng/cp, sau khi đã tăng trần trong hai phiên trước. Đây cũng là vùng đỉnh mới của PVO kể từ khi đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Theo đó cổ phiếu PVO đã trải qua 4 phiên tăng trần tính từ ngày 21/2. Riêng trong 5 phiên gần đây tính tới ngày 10/3, cổ phiếu PVO tăng giá gần 70%.
Thanh khoản cổ phiếu PVO cũng tăng đột biến cùng đà tăng giá. Mức thanh khoản cổ phiếu PVO từ ngày 21/2 đến nay đã tăng mạnh đáng kể khi đạt từ vài trăm nghìn trờ lên. Trước đó số lượng giao dịch cổ phiếu PVO chỉ từ vài chục ngàn đến dưới 100.000 mỗi phiên.
Ngày 23/1/2018, cổ phiếu PVO đã đạt đỉnh ở vùng giá 18.700 đồng/cp trước khi quay đầu giảm sâu. Như vậy, các nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" ở mức giá đó đã chính thức về bờ sau hơn 4 năm.
PV OIL sở hữu 62,7% vốn công ty PVO
Cơ cấu cổ đông của công ty khá cô đặc. Với quy mô vốn điều lệ chỉ 89 tỷ đồng, cổ đông lớn của PVOIL LUBE là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) với tỷ lệ sở hữu lên tới 62,7% vốn. Ngoài ra một cổ đông lớn khác của PVO là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt với tỷ lệ sở hữu 5,62% vốn điều lệ.
Hội đồng quản trị PVOIL LUBE bao gồm 4 người, hai người trong số đó do Tổng Công ty Dầu Việt Nam cử đại diện vốn là ông Lê Văn Bách, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ công ty, hiện đang nắm 3.797.104 cp (tỷ lệ 42,7% vốn điều lệ) và bà Trần Ngọc Diệp, Thành viên HĐQT, hiện đang nắm giữ 1.779.596 cp (tỷ lệ 20% vốn điều lệ).
Hai người còn lại trong HĐQT là ông Lê Xuân Trinh, Chủ tịch HĐQT, đang nắm giữ 0 cp và bà Nguyễn Phước Giáng Hương, Thành viên HĐQT, đang nắm 2.600 cp (tỷ lệ 0,029%).
PVOIL LUBE tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Hóa dầu Dầu khí VIDAMO, ra đời vào năm 2008. Năm 2009, công ty cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Hóa dầu Dầu khí VIDAMO và đổi tên thành Công ty Cổ phần Dầu nhờn PV OIL vào năm 2012. Ngày 12/1/2016, cổ phiếu PVO giao dịch trên thị trường UPCoM.
Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của PVOIL LUBE bao gồm: sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu mỡ bôi trơn, các chế phẩm bôi trơn chuyên dụng; các sản phẩm dung môi, hóa chất, hóa dầu; kinh doanh xăng dầu, bán buôn, bán lẻ.
Hoạt động kinh doanh của PVOIL LUBE
Giai đoạn 2009 - 2011, kết quả kinh doanh công ty khá khởi sắc khi lợi nhuận liên tục tăng. Tuy nhiên tỷ suất sinh lời trên doanh thu còn thấp khi chỉ từ 2% đến 5%. Từ năm 2012 đến năm 2014, kết quả kinh doanh của công ty không mấy khả quan khi doanh thu tăng mạnh nhưng lại không tăng trưởng về lợi nhuận. Năm 2014, công ty đạt doanh thu kỷ lục 529,19 tỷ đồng nhưng chỉ lãi ròng 2,59 tỷ đồng.
Sau năm 2014, doanh thu giảm và, lợi nhuận vẫn tiếp tục không cải thiện. Lợi nhuận chỉ quanh mốc từ vài trăm triệu đến gần 3 tỷ đồng. Vào năm 2018, công ty chỉ lãi 200 triệu đồng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu là 0,08%.
Tình hình kinh doanh của PVOIL LUBE khởi sắc nhất là vào năm 2016. Công ty lãi ròng hơn 17,5 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu là 7,03%. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty là 332 tỷ đồng và 239 triệu đồng. Dù doanh thu tăng mạnh 54,1% nhưng mức lợi nhuận trên chỉ bằng 16,4% so với năm trước đó.
Kế hoạch kinh doanh năm nay, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu 255,4 tỷ đồng và lãi trước thuế 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, PVOIL LUBE sẽ không chia cổ tức mà trích quỹ khen thưởng 5%, quỹ phúc lợi 15%, quỹ đầu tư phát triển 20%, lợi nhuận chưa phân phối chuyển sang năm sau sẽ là 425 triệu đồng.