Cổ phiếu HCS của Công ty Cổ phần Thông tin Tín hiệu Đường sắt Hà Nội là một doanh nghiệp “bé hạt tiêu” với vốn hóa chưa tới 53 tỷ đồng nhưng lại đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi tăng gần 200% chỉ trong vòng 8 phiên.
Cổ phiếu HCS giao dịch trên sàn UPCoM đã ghi nhận tăng trần 8 phiên liên tiếp từ mức 7.900 đồng/cp ngày 18/6 lên 23.400 đồng/cp kết phiên 28/6.
Diễn biến giá cổ phiếu HCS một tháng nay (Nguồn: VNDirect)
HCS chỉ có 2,25 triệu cổ phiếu niêm yết, ứng với vốn điều lệ 22,5 tỷ đồng. Cổ phiếu HCS thường xuyên không có giao dịch, thậm chí từ tháng 11/2018 đến giữa tháng 6/2019 HCS mới bắt đầu có giao dịch trở lại.
Đáng chú ý trong 8 phiên trần liên tiếp, khối lượng giao dịch của HCS đều là 100 đơn vị/phiên. Qua đó có thể thấy giao dịch bất thường của cổ phiếu HCS. Trong thời gian cổ phiếu tăng trần không xuất hiện giao dịch nội bộ ở HCS.
Cơ cấu cổ đông của HCS tính tới hết năm 2018 (Nguồn: Báo cáo thường niên, HK tổng hợp)
HCS là công ty con của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang nắm 51% vốn, thành lập năm 1979 và chính thức được cổ phần hóa vào tháng 1/2016. HCS có hoạt động chính là dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ.
Kể từ khi cổ phần hóa đến nay, kết quả kinh doanh của HCS bắt đầu khởi sắc khi cả lợi nhuận và doanh thu đều tăng trưởng. Hết năm 2018 EPS của HCS là 1.609 đồng. Năm 2017 và 2018 mức chi trả cổ tức của HCS trong khoảng từ 9 - 9,5%.
Năm 2019, HCS đặt mục tiêu doanh thu 188 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng; tăng lần lượt 6 và 7% so với thực hiện năm 2018.
Kết quả kinh doanh của HCS qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
Hết năm 2018, tổng tài sản của HCS là gần 120 tỷ đồng. Trong đó HCS có hơn 39 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chiếm hơn 30% tổng tài sản. Tại ngày 31/12/2018, HCS có 64,5 tỷ đồng phải thu ngắn hạn trong đó gần 21 tỷ đồng phải thu từ công ty mẹ là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Khoản vay và nợ thuê tài chính của HCS rất nhỏ chỉ hơn 559 triệu đồng. Nợ phải tra đa phần đến từ khoản phải trả người lao động gần 31 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải do chi phí nhân công tăng chưa kể trong năm 2018 có dự án hiện đại hóa TTTH Hà Nội – Vinh giai đoạn 2 được chủ đầu tư duyệt bổ sung điều chỉnh bù nhân công với các hạng mục đã thi công từ các năm trước, nhân công được trích bổ sung để bù nhân công từ dự án xấp xỉ gần 6 tỷ đồng.
Hoàng Kiều