Cổ phiếu bị cảnh báo, Danameco lỗ gần 24 tỷ trong 3 tháng đầu năm

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y tế Danameco cho rằng, nguyên nhân cổ phiếu bị cảnh báo vì năm qua đơn vị thay đổi nhiều lần kế toán trưởng…

Cổ phiếu bị cảnh báo, Danameco lỗ gần 24 tỷ trong 3 tháng đầu năm - Ảnh 1

Ngày 7/5, ông Văn Đức Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y tế Danameco đã có giải trình nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng cổ phiếu doanh nghiệp có mã DNM bị cảnh báo.

Theo ông Tuấn, do thay đổi nhân sự kế toán đặc biệt là vị trí Kế toán trưởng trong năm 2022 nên quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán bị gián đoạn và chậm trễ. Đến 31/3, Công ty kiểm toán mới gửi dự thảo Báo cáo kiểm toán gửi Ban lãnh đạo Tổng Công ty, tuy nhiên, còn nhiều điểm chưa thống nhất được với đơn vị kiểm toán. Vì vậy, Công ty chưa thể hoàn thành được báo cáo tài chính kiểm toán năm theo quy định.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng Công ty Cổ phần Y tế Danameco đang làm việc với đơn vị kiểm toán để hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và Công bố thông tin sớm nhất.

Ngoài ra, doanh nghiệp này làm việc chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để lập báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2023 và công bố thông tin đúng thời hạn quy định.

Trước đó, ngày 20/4, ông Đỗ Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hà Nội, đã ký quyết định 397/QĐ-SGDHN về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu DNM của Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco.

Chứng khoán Công ty Cổ phần Y tế Danameco bị cảnh báo.

Chứng khoán Công ty Cổ phần Y tế Danameco bị cảnh báo.

Lý do được đưa ra vì tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Đồng thời, lý do khác là tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Việc duy trì cảnh báo này được quy định áp dụng tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Liên quan bức tranh tài chính của Danameco trong quý I/2023, lợi nhuận sau thuế giảm từ lời 15 tỷ đồng xuống lỗ gần 23,8 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 39 tỷ đồng, tức 256% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Tuấn cho rằng, đầu năm 2023, do dịch bệnh đã được kiểm soát, nên doanh thu từ các mặt hàng chống dịch giảm mạnh làm cho doanh thu Tổng Công ty giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch trong giai đoạn dịch bùng phát nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, cho đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường đối với trang phục chống dịch không còn, nhưng công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư mặc dù không được tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ dẫn đến giá thành tăng cao.

Công ty cũng đã tập trung chuyển đổi sang khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng khác để tăng doanh thu, tuy nhiên có một số mặt hàng doanh nghiệp đang phải chấp nhận chịu lỗ để thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Mặc khác, Công ty cũng nâng cấp sửa chữa nhà máy để đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế, đầu tư thêm máy móc thiết bị tự động để nâng cao năng suất sản xuất.

Sản phẩm khẩu trang y tế của Danameco. 

Sản phẩm khẩu trang y tế của Danameco. 

Danameco có tiền thân là Trạm Vật tư y tế Quảng Nam – Đà Nẵng. Doanh nghiệp được cổ phần hoá từ tháng 7/2005. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hoá dược; sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế, nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng; buôn bán máy móc thiết bị y tế; xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác...

Vốn điều lệ của Danameco hơn 52,5 tỷ đồng. Trụ sở chính của Công ty tại 12 Trịnh Công Sơn, phường Hoà Cường Nam, quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng. Doanh nghiệp này có 2 chi nhánh, Nhà máy sản xuất Vật tư y tế Quảng Nam và Nhà máy sản xuất Vật tư y tế Hòa Cường.

     

Nguyễn Duy Cường

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục