Cơ hội thu hút dòng vốn từ EU

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam, theo đó, xu hướng đầu tư chính của châu Âu là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp sản xuất thực phẩm.

Cơ hội thu hút dòng vốn từ EU - Ảnh 1
Ảnh: VGP/Lê Anh

 

Đây là nhận định của ông Jean Jaques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam tại Diễn đàn thương mại Việt Nam-EU với chủ đề “EVFTA - chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện”, diễn ra ngày 30/7 tại TPHCM.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 18 năm (2000-2018), giá trị thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD. Hiện tại, các mặt hàng như dệt may, da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản… được coi là những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu qua EU.

Về đầu tư trực tiếp, đến hết 6 tháng năm 2019, EU có 27 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.205 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 53,1 tỷ USD. Những kết quả đó đã đưa EU trở thành một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Bảo đảm chất lượng hàng hóa để hưởng lợi từ các FTA đã ký kết

Ngày 30/6 vừa qua, Việt Nam-EU đã ký Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hiệp định EVFTA và EVIPA được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên, cũng như tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu của hai bên.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và tư vấn quý giá của các chuyên gia.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng Ban Kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, thành viên đoàn đàm phán EU cho rằng, để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của EU.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để bảo đảm giúp doanh nghiệp Việt Nam áp dụng thuận lợi những điều khoản mà EVFTA đưa ra. Tài liệu hướng dẫn này chúng tôi đã làm từ 2016 và vừa được cập nhật. Doanh nghiệp có thể liên hệ Phòng Thương mại châu Âu để tìm hiểu rõ hơn”, bà Miriam Garcia Ferrer nói.

Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, theo ông Jean Jaques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam, với EVFTA và EVIPA, dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam và xu hướng đầu tư chính của châu Âu là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp sản xuất thực phẩm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam nhận định, trong trung hạn và dài hạn thì nguồn đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam sẽ tăng lên. Cụ thể, theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam, có tới 55% doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh thêm.

 

Theo Lê Anh/Chinhphu

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục