Chấp nhận bán giá thấp
Vợ chồng ông N.N.Tâm (quận 2, TP HCM) rao bán đất nền rộng 200 m2 tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương từ tháng 5 năm nay. Giá các lô đất lân cận cùng diện tích đã được giao dịch trước đó vào khoảng 1,9 tỷ đồng. Do cần tiền, không muốn tiếp tục trả lãi vay ngân hàng, vợ chồng ông Tâm đã giao cho môi giới bán với giá khoảng 1,7 tỷ đồng, thương lượng về 1,65 tỷ đồng là chốt. Tuy nhiên suốt 2 tháng qua, môi giới báo về chỉ có một người tới xem và không đưa ra lời thương lượng nào.
Theo ông N.V.Long, chủ một văn phòng môi giới tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, dịch bệnh khiến các giao dịch nhà đất bị chậm lại. Nhiều chủ đất gửi rao bán bất động sản có giá "mềm" hơn thị trường chung nhưng ít người hỏi mua, một phần vì chính sách giãn cách xã hội khiến việc đi lại, xem đất gặp khó khăn, phần khác cũng có khách muốn chờ giá thấp hơn nữa. Ông nhận thấy các tỉnh xa hơn như Bình Phước, nơi dịch bệnh không phức tạp, lại có các giao dịch sôi động hơn ở các dự án phân lô bán nền, đón sóng hạ tầng.
Bà T. Minh Châu (TP Thủ Đức, TP HCM) vừa bán căn nhà đang ở 3 lầu, diện tích sử dụng 150 m2 trong hẻm lớn 5 m, khu vực dân cư đông đúc, gần trường học. Bà Châu cho biết do dịch bệnh, lại gặp áp lực trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng gần 20 triệu đồng nên quyết định bán nhà, tất toán nợ. Ban đầu, bà kỳ vọng giá bán ở mức 6 - 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, muốn bán nhanh, bà đã chốt còn 5,7 tỷ đồng, lời khoảng 30% so với giá mua 8 tháng trước.
Sau khi tất toán khoản vay, còn gần 4 tỷ đồng, bà Châu dự định đi tìm mua nhà nhưng bật ngửa vì giá nhà đất không giảm và vẫn tăng, dù vẫn trong mùa dịch. Suốt 2 tháng long đong, cuối cùng bà chọn một khu vực khác, cũng trong TP Thủ Đức nhưng ở nơi không được như nhà cũ, tức là ít dịch vụ đi kèm, xa trường, xa chợ, xa khu dân cư. Giá lô đất cũng thấp hơn thị trường khoảng 100 triệu đồng, do chủ đất đang kẹt tiền trả ngân hàng nên chấp nhận bán giá đó.
|
|
Cơ hội mua gom
Bà V.A.Nguyệt (TP Thủ Đức, TP HCM) lại lựa chọn mua thêm bất động sản nếu giá tốt thay vì bán ra. Bà Nguyệt có 2 căn nhà cho thuê trọ với mức thu nhập ổn định, có một số mảnh đất nền không phải vay nợ ngân hàng. Nếu mua thêm, bà có thể vay ngân hàng khoảng 30 - 40% giá trị của sản phẩm và dùng nguồn tiền lương, tiền cho thuê nhà trọ để trả lãi. Bà Nguyệt tiết lộ đã nhờ một số môi giới thân quen tìm kiếm một số khu đất do chủ cần tiền cần bán gấp để có thể được mức giá tốt. Thời điểm dịch bệnh, nếu nguồn thu ổn định, việc mua thêm bất động sản với giá hời là cơ hội gia tăng tài sản hiếm có, bà Nguyệt nói.
Với quan sát của mình, bà Minh Châu nhìn nhận giá bất động sản sẽ không giảm đồng loạt, sản phẩm được bán thấp hơn chỉ xuất hiện rải rác ở một số sản phẩm nhà phố hoặc đất nền mà người chủ thực sự kẹt tiền. Thị trường sẽ khó xảy ra tình trạng rao bán ồ ạt sản phẩm với giá rẻ, bởi không phải nhà đầu tư nào cũng kẹt tiền. Các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay thấp, khoảng 7 - 8 % năm đầu tiên, thậm chí không phạt trả gốc trước hạn nên nhà đầu tư vẫn "gồng" được nếu có nguồn thu nhập ổn định nơi khác. Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện nhiều nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư gom tiền săn bất động sản giá tốt thời điểm này. Bởi lãi suất tiết kiệm hiện tại không hấp dẫn, thị trường chứng khoán không phải ai cũng am hiểu nên nhà đất vẫn được lựa chọn là kênh đầu tư truyền thống sinh lời.
Một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường, sở hữu cả chục căn nhà, đất ở TP HCM nhìn nhận thời điểm này, nếu có nguồn tài chính ổn định thì nên cân nhắc việc tìm mua các bất động sản rõ ràng pháp lý với giá cạnh tranh. Bởi, nhiều người gặp vấn đề với dòng vốn đầu tư, thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không xoay được dòng tiền để trả ngân hàng nên có thể sẽ phải bán bớt tài sản. Họ sẵn sàng chấp nhận bán thấp hơn giá thị trường khoảng 50 - 100 triệu đồng, thậm chí giảm sâu hơn để có thể giải quyết bài toán tài chính. Tuy nhiên, bán thấp hơn không đồng nghĩa với việc bán cắt lỗ. Bởi lẽ, giá trị đất hầu hết gia tăng theo thời gian, họ bán thấp hơn chỉ là nhận một phần lời nhỏ hơn mức dự tính.
Ngược lại, người mua sở hữu mức tài chính ổn định từ nhiều nguồn thì có thể cân nhắc việc mua thêm, sử dụng vốn vay ngân hàng khoảng 20 – 30% giá trị bất động sản. Dịch bệnh có thể dai dẳng nên việc mua vào cần thận trọng, chỉ thực hiện các giao dịch rõ ràng về pháp lý và giá cạnh tranh, không mua theo phong trào.