Năm 2017, nhiều ngân hàng tạo "đột biến" với quyết định chia cổ tức. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trả cổ tức với tỷ lệ 8%, BIDV tỷ lệ 7%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tỷ lệ 20%...
Thế nhưng, trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2019, các ngân hàng lại đang có xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu, thậm chí có ngân hàng không chi trả cổ tức với mong muốn tăng vốn.
Ngân hàng Techcombank nhiều năm liên tiếp không tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
Cụ thể mới đây, Ngân hàng VietinBank trình cổ đông thông qua 2 phương án. Theo đó, phương án thứ nhất là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng). Phương án hai là VietinBank sẽ để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây công bố mạnh tay trả cổ tức, với tỷ lệ 30%, nhưng cổ đông không được nhận tiền mặt, thay vào đó là cổ phiếu.
Tương tự, ngân hàng LienVietPostBank cũng trả cổ tức bằng việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức theo tỷ lệ 10% nhằm tăng vốn. Còn Ngân hàng ABBank, cổ đông vẫn chờ chi trả cổ tức trăm tỷ bằng cổ phiếu từ năm 2017...
Trong khi đó vẫn còn không ít ngân hàng lại “nói không” với cổ tức như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Đối với ngân hàng MSB, dù năm nay chưa trả cổ tức nhưng ngân hàng này hứa hẹn với cổ đông năm sau sẽ chia với tỷ lệ 10%. Tuy nhiên chưa nói rõ cổ tức năm sau sẽ được trả bằng cổ phiếu hay tiền mặt. Việc MSB duy trì đến nay lên đến 6 năm không chi trả cổ tức, khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 mới đây, Techcombank cho biết sẽ không chia cổ tức, ngân hàng sẽ giữ lại khoản 10.286 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, cổ đông của Techcombank phải chấp nhận "nhịn" cổ tức vì những mục tiêu kinh doanh của ngân hàng.
Tương tự, ĐHĐCĐ 2019 ngân hàng Kienlongbank mới đây cũng thông qua nội dung không chia cổ tức năm 2018 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận hiện có để bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN và đáp ứng nhu cầu phát triển từ nay đến năm 2020 của ngân hàng.
Trong khi đó, tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 của TPBank, ngân hàng này cũng quyết định không chia cổ tức mà dùng 1.500 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2019...
Trong mấy năm gần đây, lợi nhuận các ngân hàng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng Basel II với những tiêu chuẩn về an toàn vốn khắt khe hơn nhiều, hoặc do nhu cầu tái cơ cấu, khiến nhiều ngân hàng không có có xu hướng chi trả cổ tức. Kỳ vọng nhận được cổ tức bằng tiền mặt với cổ đông nhiều ngân hàng vì thế càng trở nên xa vời.
Thậm chí, một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mợi nhuận hàng chục nghì tỷ mỗi năm, như Vietcombank, Vietinbank, vài năm gần đây cũng liên tục đề xuất được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì chia bằng tiền mặt.
Hà Phương (t/h)