Mùa đại hội cổ đông đã đến các doanh nghiệp đua nhau tổ chức đại hội cổ đông, tuy nhiên có những doanh nghiệp phải tiến hành tổ chức nhiều lần mới thành công. Tiêu biểu như tại Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) phải tiến hành tổ chức đến lần thứ 3 thì mới thành công bởi số lượng cổ đông tham gia quá ít ỏi. Theo quy định Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhưng trong lần 1 được tổ chức vào cuối tháng 4 chỉ có 14 trong tổng số 980 cổ đông đến tham dự, tương đương gần 22% vốn điều lệ. Trong lần thứ 2 cũng không khá khẩm hơn khi chỉ có vẻn vẹn 6 cổ đông tham dự đại diện 21% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Cổ đông không mặn mà với đại hội.
Có nhiều doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây việc tổ chức đại hội cổ đông dường như ngày càng khó khăn, phải tổ chức nhiều lần mới đạt được kết quả thành công. Tiêu biểu là Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát trong năm 2013 công ty này đã phải tổ chức đến lần thứ 3 thì mới thành công. Trong năm 2014 với những kinh nghiệm được rút ra từ năm 2013 tưởng rằng công ty này sẽ tổ chức được thành công đại hội cổ đông thường niên tuy nhiên tình trạng mùa đại hội cổ đông năm nay còn tồi tệ hơn khi đến lần thứ 3 tổ chức lại đại hội cũng vẫn chỉ có 22 người tham dự, đại diện cho hơn 35% cổ phần.
Hay như tại Công ty Cổ phần Tập đoàn SARA, theo kế hoạch, Công ty cổ phần Tập đoàn SARA tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 lần thứ 2 vào ngày 27/4/2014. Tuy đã phải tổ chức đến lần thứ 2 rồi tuy nhiên số cổ đông tham dự chỉ có 29 cổ đông, đại diện sở hữu cho 2.998.044 cổ phần,chiếm tỷ lệ 35,27% trên tổng số 8.500.000 cổ phần có quyền biểu quyết. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành thì tỷ lệ này chưa đủ điều kiện để tiến hành Đại hội lần 2.
Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (ICG), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO (PXL)... cũng phải tổ chức lần đại hội thứ 3 mới đạt được thành công.
Từ những dẫn chứng trên có thể thấy khá nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng muốn tổ chức đại hội cổ đông mà không thể làm do số lượng cổ đông tham dự quá ít. Vậy một vấn đề được đặt ra vì đâu các cổ đông lại “lười” không chịu tới tham dự đại hội.
Có thể với những cổ đông lớn họ sẽ hào hứng tham dự đại hội cổ đông bởi số cổ phiếu họ nắm giữ lớn vì vậy các ý kiến mà họ đưa ra sẽ được ban quản trị công ty tiếp thu. Nhưng với những cổ đông nhỏ thì việc ý kiến của họ được ban quản trị công ty để ý đến là một điều khó khăn. Thậm chí lãnh đạo còn gạt phắt đi những ý kiến góp ý của họ cho dù ý kiến đó có đúng, tốt cho doanh nghiệp, ngay cả việc trả lời các câu hỏi chất vấn của các cổ đông náy cũng ít được chú ý hoặc nếu có thì ban lãnh đạo cũng chỉ trả lời qua loa, đại khái cho xong. Điều này khiến cho hầu hết các cổ đông trong tình trạng chán nản không muốn tham dự đại hội cổ đông nữa bởi dù sao trong cuộc họp vai trò của họ cũng không quan trọng đến đó những cổ đông này chỉ đóng vai trò là những người nghe mà thôi.
Làm ăn thua lỗ nhiều năm liên tiếp lại không chịu tiếp thu ý kiến của cổ đông, những câu hỏi chất vấn của cổ đông nếu được để ý đến thì cũng chỉ là những lời hứa hẹn khắc phục xuông để đó không thực hiện của ban lãnh đạo. Tất cả những điêu này khiến cho các cổ đông chỉ đến một vài lần là chán không muốn đến lại lần sau chỉ mất thời gian mà không thu lại được điều gì.
Hầu như những doanh nghiệp có quá ít cổ đông đến dự đại hội chủ yếu do làm ăn thua lỗ nhiều năm, hay không chú trọng tới việc tổ chức đại hội chỉ làm đại khái, qua loa, không chu đáo làm mất lòng các cổ đông khiến họ không muốn đến. Tuy nhiên đây không phải là lý do chính bởi chính các cổ đông này đã mất tiền đầu tư vào doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp mà làm ăn thua lỗ nghĩa là họ cũng đang mất tiền thì cổ đông sẽ càng phải quan tâm nhiều hơn đến đại hội để đưa ra những chất vấn của mình yêu cầu ban lãnh đạo giải thích và đưa ra phương hướng hoạt động kinh doanh trong năm tới, khắc phục những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp còn hi vọng cổ đông sẽ không tới tham dự để không bị gây khó dễ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này còn kéo dài thì trong tương lai gần chắc chắn các cổ đông này sẽ rút hết vốn khỏi doanh nghiệp không đầu tư nữa, đến lúc đó thì việc đi tìm nhà đầu tư mới với các doanh nghiệp này là một điều cực kì khó khăn.
T.T (Tổng hợp)