Sáng 23/4/2016 NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại trụ sở ngân hàng.
Năm 2015, hầu hết các kế hoạch kinh doanh của Techcombank đều vượt chỉ tiêu, tổng tài sản toàn ngân hàng đạt gần 192.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế đạt 2.037 tỷ đồng, tăng 43,8% so với năm 2014, tổng huy động vốn đạt 142.240 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước; dư nợ tín dụng đến cuối năm 2015 đạt 127.387 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2014.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu tới cuối năm 2015 của Techcombank đạt 14,74%, nợ xấu giảm từ 2,38% năm 2014 xuống còn 1,67%. Hiện tại, Techcombank đang dẫn đầu khối ngân hàng TMCP về vốn chủ sở hữu hợp nhất với 19.375 tỷ đồng bao gồm trái phiếu chuyển đổi mà các trái chủ đã cam kết chuyển đổi thành cổ phiếu.
Năm 2016, Techcombank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 74% lên 3.543 tỷ đồng, tổng tài sản tăng trưởng 16%, huy động vốn 21%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 18%.
Báo cáo các con số đều “tăng trưởng” và “vượt kế hoạch”, nên khi trình đại hội cổ đông việc không chia cổ tức năm thứ 4 liên tiếp, Ban lãnh đạo Techcombank đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía các cổ đông. Một cổ đông cho rằng, mỗi năm ban lãnh đạo Techcombank được chia thù lao 28 tỷ đồng trong khi 4 năm không trả cổ tức cho cổ đông là không công bằng, trong khi giá cổ phiếu Techcombank trên thị trường OTC liên tục giảm, hiện chỉ giao dịch quanh mệnh giá.
Trước phản ứng này của nhà đầu tư, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho rằng, cuộc họp ĐHCĐ với tinh thần các cổ đông ngang nhau nên các ý kiến của các cổ đông HĐQT đều lắng nghe và có ý kiến chia sẻ của mình. Ông Hồ Hùng Anh cho rằng giai đoạn vừa qua rất khó khăn, cổ đông đầu tư chưa nhận được giá trị thặng dư của cổ phiếu và cổ tức, nhưng ông Hồ Hùng Anh cho rằng "chúng ta cần công bằng với Ban điều hành. Mặc dù nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng khác gặp khó khăn nhưng Techcombank trong năm qua đã giải quyết được vấn đề nợ xấu, lợi nhuận 2015 đạt hơn 2000 tỷ và 2016 phấn đấu đạt 3500 tỷ thể hiện sự nỗ lực và đóng góp ban điều hành".
“Tôi và các quý vị cổ đông đầu tư nhiều hay ít đều có bài toán của bản thân mình và có áp lực riêng, việc không chia cổ tức cổ đông lớn rất áp lực, việc đầu tư vào ngân hàng giá trị lớn nhất thu được là giá trị cổ phiếu. Khôngai muốn giá trị cổ phiếu chỉ giao dịch với giá 10.000 đồng, chúng tôi muốn cổ phiếu Techcombank giao dịch với giá trị thực của nó, muốn giá trị cổ phiếu đạt 40-50 nghìn đồng/cp. Để làm việc đó phải thể hiện giá trị của tổ chức.
Techcombank đã trình ĐHCĐ thông qua việc lên sàn niêm yết trong năm nay theo quy định, "khi chúng ta lên sàn niêm yết phải có chương trình đầy đủ và lựa chọn thời điểm để nhà đầu tư hiểu được giá trị của Techcombank và họ bỏ tiền mua giá trị đó ở mức hợp lý nhất. Thời gian vừa qua Techcombank tập trung xây dựng nội lực để vượt giai đoạn khủng hoảng và bây giờ là thời điểm bước sang xu thế mang lại giá trị lợi nhuận cho ngân hàng”, ông Hồ Hùng Anh trấn an nhà đầu tư.
“Việc chia cổ tức hay không chia cổ tức, tôi cũng là cổ đông nếu các quý vị được 1 thì tôi được nhiều hơn chút, các quý vị không được chia tôi cũng không được chia. Không chia cổ tức vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, ngân hàng không ai rút đi 1 đồng nào của cổ đông cả, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cần lựa chọn thời điểm quyết định. Chia cổ phiếu để cổ đông bán với giá 10.000 đồng/cp hay thời điểm nào để bán với giá 30.000 đồng, giá trị đó vẫn nằm ở cổ phiếu chứ không phải tiền này sử dụng vào vấn đề khác”.
Theo ông Hồ Hùng Anh, hiện nay Techcombank bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về Basel II, “nếu chúng ta phát triển được để đạt được kỳ vọng quy mô và lợi nhuận thì việc ưu tiên hàng đầu đủ vốn chủ sở hữu để đạt đủ điều kiện an toàn về vốn, nếu trong trường hợp việc phát triển không cần thiết số vốn như vậy thì chúng ta chia cổ tức, còn các chỉ số cho rằng cần phải tăng vốn thì chúng ta phát hành cổ phiếu để tăng vốn để phát triển ngân hàng. Mọi trường hợp nào thì chia hay không chia đều nằm trong giá trị cổ phiếu của cổ đông.
"Vấn đề lớn nhất hôm nay tôi và các vị không vui vì hàng năm lợi nhuận mang lại nhiều, giá trị cổ phiếu tăng lên nhưng không hiểu sao giá cổ phiếu Tech không tăng lên như giá trị của nó.Techcombank có vốn điều lệ gần 9000 tỷ, vốn chủ sở hữu gấp đôi, tại sao giao dịch vẫn chỉ có 10.000 đồng/cp. Có nhiều thông tin NĐT chưa hiểu rõ về Techcombank, khi mọi người hiểu điều đó, khi các chỉ số an toàn được kiểm soát chặt chẽ thì giá trị cổ phiếu Techcombank không chỉ dừng ở mức 10.00 đồng được. Tôi chỉ muốn chia sẻ bài toán cuối cùng làm cho giá trị tốt nhất, giá trị đó được thị trường công nhận và đây là việc chúng ta cần thực hiện trong năm 2016 và 2017. Tôi tin rằng khi Techcombank lên sàn chứng khoán giá trị của Techcombank sẽ đúng với giá trị của nó".
Ông Hồ Hùng Anh cho biết năm 2016 chắc chắn Techcombank sẽ lên sàn nhưng HĐQT đang lựa chọn thời điểm và chọn sàn nào cho phù hợp.
Về việc đầu tư vào Skyviet và ngành hàng không, ông Hồ Hùng Anh cho rằng do trước đây Vietnam Airlines nằm trong HĐQT Techcombank và hai bên đã có quan hệ 10 năm nay. Techcombank đầu tư vào Vietinam Airlines và các công ty con mang lại nhiều giá trị về lợi nhuận cho cả Vietnam Airlines và Techcombank, nhưng ông Hồ Hùng Anh cũng bỏ ngỏ việc đầu tư lâu dài hay không.
Về Skyviet, việc công ty VASCO là công ty của VNA quy mô vốn rất hạn chế, tài sản của chủ yếu đi thuê và họ có một số tuyến đường bay trong nước nhưng chủ yếu là quãng ngắn, Techcombank với vai trò là cổ đông của VNA, Techcombank thực chất không trực tiếp tham gia vào Skyviet mà thông qua công ty quản lý quỹ Techcombank và các nhà đầu tư ủy thác đầu tư vào Skyviet nên khoản đầu tư này không hiện trên bảng cân đối Techcombank.
Về việc liên tục thay đổi CEO trong 4 năm qua, ông Hồ Hùng Anh cho biết Techcombank luôn có xu thế muốn phát triển và hội nhập và nghĩ rằng cần có chất xám và kinh nghiệm của cán bộ quốc tế theo thông lệ quốc tế và thị trường. Khi mời CEO nước ngoài bình thường họ có kỳ hạn 2-3 năm, thực sự vai trò của họ đóng góp cho tổ chức ở mức lâu hơn thì không phải ai cũng phù hợp vì họ gặp vấn đề về hàng rào ngôn ngữ và văn hóa. Hiện tại CEO của Techcombank là ông Quốc Anh đã làm việc trong ngành tài chính ngân hàng của Mỹ hơn 30 năm.
Mặc dù cổ đông liên tục phản đối việc không trả cổ tức nhưng ông Hồ Hùng Anh cho rằng, ý kiến của cổ đông không cần ngân hàng tăng trưởng nhưng các cổ đông khác muốn giữ lợi nhuận lại để tái đầu tư, việc này sẽ do số đông quyết định.
Theo NDH