Phú Quốc bứt phá nhờ đà chính sách
Ngay từ năm 2004, đề án phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp đó là những điều chỉnh quy hoạch chung vào năm 2020 tầm nhìn 2030, hướng Phú Quốc thành đặc khu kinh tế hành chính, thương mại, khoa học công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế. Đặc biệt, năm 2014, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại 2… Tất cả những điều đó là tiền đề, hành lang pháp lý vững chắc để thu hút, thúc đẩy đảo Ngọc bứt phá trong đầu tư phát triển.
Quy hoạch Phân khu chức năng
Hơn thế, Phú Quốc còn là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước có Quy hoạch Phân khu chức năng. Theo quyết định 633/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ toàn bộ Đảo đã được quy hoạch mục đích sử dụng chi tiết cho từng phân khu đất: Đất Rừng Phòng hộ, Đất Công Viên Cây Xanh, Đất Du lịch, Đất Giáo dục, Đất Y tế… Điều đáng nói, trong quy hoạch chỉ có khoảng 6% diện tích đất được dành cho chức năng Đất ở, bao gồm Dương Đông, An Thới, Ông Lang, Cửa Cạn… Những khu vực Đất ở, dành cho việc phân bố dân cư đều đã được thiết kế chi tiết 1/2000 và do các công ty uy tín trong và ngoài nước đảm nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng cho biết đến nay tại Phú Quốc đã có nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật quan trọng về giao thông đường bộ, hàng không, đường điện hoàn thành; nhiều dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ đã được triển khai; dịch vụ hàng không tiếp tục mở rộng kết nối với một số nước tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại của người dân và các nhà đầu tư.
Sân bay quốc tế Phú Quốc với quy mô 900 ha
Điển hình như sân bay quốc tế Phú Quốc với quy mô 900 ha từ khi đi vào hoạt động năm 2012 đã tạo ra khả năng kết nối thuận lợi bằng đường hàng không tới nhiều quốc gia Singapore, Malaysia, Campuchia, Nga, Thái-lan… Cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc dài 55,8 km vận hành từ đầu năm 2014 giúp giảm đáng kể nguồn điện năng tiêu thụ, tạo đà thúc đẩy kinh tế vùng. Nhà máy nước Dương Đông được nâng cấp cũng tác động tích cực tới du lịch, làm giảm chi phí hoạt động, vận hành của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Nhà nước còn áp dụng hệ thống cơ chế ưu đãi cao nhất dành riêng cho Phú Quốc về khuyến khích đầu tư nước ngoài và trong nước, đáng kể nhất là những ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp (10% thay vì 28%), thuế thu nhập cá nhân (giảm 50%)... khiến cho mảnh đất này trở thành một địa chỉ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Sức hút đầu tư ngày càng lớn
Theo ông Đoàn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết, 5 năm qua (2011 - 2015) Phú Quốc đã bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế những năm qua luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định, bình quân tăng trên 27,5%/năm, trong đó năm 2015 tăng 32,36%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 5.469 USD, tăng 3,7 lần so với năm 2010, doanh thu du lịch đạt 3.140 tỷ đồng, tăng 6,8 lần so với năm 2010. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 1,2%.
Bên cạnh đó, tính đến trung tuần tháng 1/2016, có 230 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc với tổng diện tích 10.150 ha. Trong đó, 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn hơn 183.000 tỉ đồng. Theo ông Tiến, trong số những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã có 24 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn 25.830 tỷ đồng; 23 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn 25.371 tỷ đồng.
Vinpearl Resort & Villas Phú Quốc
Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, các cơ chế chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay chi tiêu cho những dự án khủng tại hòn đảo xinh đẹp này.
Vingroup hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc với hệ thống biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Resort & Villas, Khu vườn bách thú hoang dã Safari, sân golf… với quy mô hơn 300 ha cùng tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Sun Group với số vốn đăng ký hơn 8.000 tỷ đồng bao gồm các dự án Khu nghỉ dưỡng J.W Mariott, Ritz-Carlton Resort & Spa, Premier Village Phú Quốc Resort, The Sebel, Dự án cáp treo dài nhất thế giới và quần thể Khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm…
Khách sạn Novotel của CEO Group tại Phú Quốc sức chứa và phục vụ hàng nghìn du khách
Tiếp đó, CEO Group cũng đã ghi dấu ấn của mình tại Phú Quốc với các dự án Sonasea Villas & Resorts, Sonasea Residences và Sonasea Golf Estater có quy mô hàng trăm ha. Trong đó, tổ hợp khách sạn Novotel 5 tầng 200 phòng và 46 căn biệt thự mặt biển, cùng trung tâm hội nghị 350 phòng, nhà hàng… đã được hoàn thành và đi vào sử dụng từ cuối năm 2015. BIM Group với khách sạn 5 sao Crowne Plaza 400 phòng trong tổng thể quy mô 157ha… Các nhà đầu tư, phát triển dự án lớn khác như MIK, Nam Cường, LDG Group, FLC Group đến các đơn vị phân phối chuyên nghiệp như Ngọc Việt… cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào điểm đến này.
Cùng với sự đầu tư về hạ tầng du lịch, chính sách ưu đãi miễn thị thực trong thời hạn lưu trú 30 ngày tại Phú Quốc đối với người nước ngoài, Việt kiều áp dụng từ cuối năm 2013 cũng là “cú huých” lớn giúp lượng khách du lịch đến Phú Quốc không ngừng tăng, tạo điều kiện mạnh mẽ cho thị trường BĐS và du lịch ngày càng phát triển.
“Cơ chế ưu đãi ở Phú Quốc là số 1 tại Việt Nam…do đó, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Phú Quốc. Nhanh nhất đến năm 2018, Phú Quốc sẽ là điểm đến hấp dẫn.” – ông Nguyễn Thanh Tùng Phó Ban quản -lý Phát triển đảo Phú Quốc.
Nguyên Hà – Phương Linh