Gần đây, ông Vũ Quang Khải - Giám đốc Công ty TNHH Quang Khải đã tố cáo ông Trương Quốc Huy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam có “sân sau” liên quan đến hoạt động của công ty mà ông từng làm TGĐ.
Đàm phán “tay ba” với doanh nghiệp?
Theo diễn biến vụ việc, năm 2015, khi còn là TGĐ Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (gọi tắt là Vicem Bút Sơn), ông Trương Quốc Huy kí hợp đồng cho thuê cầu cảng với Công ty TNHH Quang Khải (gọi tắt là Cty Quang Khải) do ông Vũ Quang Khải làm Giám đốc. Theo nội dung hợp đồng, Cty Quang Khải được thuê hai cầu cảng bê tông cốt thép tại cảng Bút Sơn để thực hiện việc bốc xếp vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh của Vicem Bút Sơn. Hợp đồng hết hạn vào 31/12/2018 và khi một trong hai bên không có nhu cầu thuê cầu cảng thì phải thông báo cho bên kia trước 6 tháng để hai bên tiến hành giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng.
Cầu cảng Bút Sơn mà Cty TNHH Quang Khải đang kinh doanh.
Khoảng 1 năm sau, ông Huy rời khỏi vị trí TGĐ Vicem Bút Sơn để đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Hoạt động kinh doanh của Cty Quang Khải tại cảng Bút Sơn vẫn diễn ra bình thường cho đến tháng 10/2018 là thời điểm chuẩn bị chấm dứt hợp đồng thuê cầu cảng cảng Bút Sơn. Lúc này, Cty Quang Khải làm đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và Vicem Bút Sơn xin gia hạn hợp đồng với lý do đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng vào trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh cầu cảng và doanh nghiệp đang hoạt động ổn định.
Ngày 13/11/2018, ông Trương Quốc Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã gọi điện yêu cầu ông Vũ Quang Khải lên phòng làm việc và chuyển tải “thông điệp”: Cty Quang Khải nên dừng hoạt động kinh doanh tại cầu cảng Bút Sơn để nhường chỗ cho người thân của ông Huy làm. Toàn bộ thiết bị mà Cty Quang Khải đã đầu tư, ông Huy giao nhiệm vụ cho ông Hùng - Phó TGĐ Vicem Bút Sơn và ông Quý (là em rể ông Huy) tiến hành thỏa thuận mua lại.
Sau đó, ngày 28/11/2018, ông Hùng và ông Huy có buổi làm việc để thống nhất việc mua bán nhưng không đạt được thỏa thuận nên ông Huy tiếp tục “gọi” ông Khải đến phòng làm việc để thỏa thuận cùng ông Hùng và ông Quý về giá trị tài sản Cty Quang Khải đã đầu tư.
Vậy việc ông Huy gọi doanh nghiệp lên “đàm phán” tay ba có phải là sự can thiệp thô bạo vào quy định pháp luật hay không? Trước khi ông Huy gọi lên đàm phán gần 1 tháng, Vicem Bút Sơn đã kí hợp đồng số 202/HĐ-BTS-XNTT với Cty TNHH đầu tư phát triển Long Phượng về việc thuê cầu cảng Bút Sơn thực hiện bốc xếp hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh của Vicem Bút Sơn. Cty Long Phượng do ông Đinh Đăng Mạnh làm GĐ. Ông Mạnh là em của ông Quý (em rể PCT UBND tỉnh Hà Nam, Trương Quốc Huy).
Không chỉ là chuyện thuê cảng?
Theo ông Vũ Quang Khải, tất cả nguồn nguyên liệu nhập vào Vicem Bút Sơn đều phải thông qua dịch vụ cầu cảng của Công ty Quang Khải nên ông nắm giữ sổ sách chi tiết đến từng lô hàng. Vì vậy, việc ông Huy cố ép ông bỏ hoạt động kinh doanh tại cầu cảng không chỉ đơn thuần là tranh mối làm ăn mà còn nhằm che giấu những “phi vụ” nhập nguyên liệu đầu vào của Vicem Bút Sơn thông qua các doanh nghiệp “sân sau”. Ông Trương Quốc Huy khi làm Tổng GĐ Vicem Bút Sơn bị nghi vấn đứng sau nhiều công ty chuyên cung cấp vật tư cho nhà máy, gồm: 1. Cty TNHH vận tải Phúc Vinh, địa chỉ: Lô E, đường N5 Khu CN Hòa Xá, xã Mĩ Xá, TP Nam Định; 2. Cty TNHH thương mại vận tải Linh Trang, địa chỉ: Số 2 Bến Thóc, TP Nam Định; 3. Cty TNHH thương mại Đầu tư vận tải Hà Anh, địa chỉ: Số 10 Bến Thóc, TP Nam Định.
Theo thống kê sổ sách của ông Khải thì lượng vật tư cung cấp vào nhà máy của các công ty “sân sau” này tính đến ngày 31/12/2018 lên tới 575 ngàn tấn. Trong đó: than 309 ngàn tấn; thạch cao 77 ngàn tấn; xỷ 187 ngàn tấn. Nhiều hợp đồng có bút tích của ông Trương Quốc Huy khi còn là Tổng GĐ, Ví dụ: Ngày 07/12/2015, ông Huy đại diện Vicem Bút Sơn kí hợp đồng mua xỷ lò cao phục vụ sản xuất với Cty TNHH Thương mại và Xây lắp Xuân Lộc Phát, địa chỉ tại số nhà 42, đường Quang Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình, do ông Châu Thành Chân làm GĐ. Nhưng, đến tháng 8/2016, Cty Xuân Lộc Phát không được bán xỷ lò cao trực tiếp vào Nhà máy Xi măng Bút Sơn nữa mà phải bán qua công ty TNHH TM Vận tải Linh Trang.
Tương tự, các công ty: Phúc Vinh, Hà Anh cũng độc quyền bao tiêu nguyên liệu đầu vào cho Vicem Bút Sơn. Hóa đơn nguyên liệu than đầu vào của Cty Phúc Vinh có giá chưa tới 1,3 triệu đồng/tấn, nhưng được bán cho Vicem Bút Sơn với giá gần 1,9 triệu đồng/tấn, chênh lệch tới gần 600 ngàn đồng/tấn. Như vậy, với 309 ngàn tấn than và 77 ngàn tấn thạch cao được mua bán qua các công ty trung gian sẽ thất thoát lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Và chuyện văn bản đóng dấu… “MẬT”
Sau khi kiểm tra nội dung đơn tố cáo, bà Lê Thị Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) Hà Nam trả lời ông Khải bằng miệng rằng đã xem xét các vấn đề trong đơn và kết luận “chưa đủ căn cứ”.
Không đồng ý với cách trả lời bằng miệng và kết quả xác minh của UBKTTU Hà Nam, ông Khải tiếp tục có văn bản đề nghị trả lời đơn tố cáo bằng văn bản. Lần này, UBKTTU Hà Nam trả lời bằng văn bản nhưng văn bản đó có đóng dấu “MẬT”, khiến ông rất ngỡ ngàng. UBKTTU Hà Nam giải thích, việc đóng dấu “MẬT” vào văn bản trả lời nội dung tố cáo là dựa theo các căn cứ: Điều 5 Thông tư số 33/2015/TT- BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 33/2002/NĐ- CP, ngày 28/3/2002 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước; Hướng dẫn số 03- HD/UBKTTW, ngày 20/11/2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn xác định độ mật văn bản; Thực hiện nguyên tắc đảm bảo bí mật cho người tố cáo theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
UBKTTU Hà Nam giải thích việc đóng dấu “MẬT” vào văn bản trả lời nội dung tố cáo của ông Vũ Quang Khải.
Giải thích trên, khiến ông Khải thêm bức xúc: “Đó chỉ là việc làm không minh bạch và dấu hiệu bao che cho cán bộ bị tố cáo, vì bản thân tôi khi tố cáo đã công khai thông tin bản thân và nội dung tố cáo không chỉ với lãnh đạo tỉnh Hà Nam mà cả trên báo chí. Tôi hoàn toàn không yêu cầu giữ bí mật việc tố cáo. Ngoài ra, Điều 5 Thông tư số 33/2015- BCA ngày 20 tháng 7 năm 2015 của Bộ Công an là để hướng dẫn bảo vệ bí mật Nhà nước chứ đâu phải bảo vệ người tố cáo, bảo vệ cá nhân bị tố cáo, trong khi đơn đã tố đích danh ông Trương Quốc Huy. Vì vậy, viện dẫn các căn cứ này là không phù hợp”?
Hơn nữa, với văn bản trả lời công dân có đóng dấu “MẬT”, dù không đồng ý với nội dung trả lời đó, nhưng nếu muốn tố cáo tiếp lên cấp cao hơn, thì người tố cáo cũng không thể cung cấp kèm theo kết quả của cơ quan đã giải quyết tố cáo là UBKTTU Hà Nam. Điều này khác nào thách đố công dân tố cáo tới cơ quan cấp cao hơn? Vì vậy, ông Khải cho biết, không chấp nhận cách giải thích của UBKTTU Hà Nam và sẽ tiếp tục có đơn gửi Tỉnh ủy Hà Nam, cơ quan chức năng Trung ương để đề nghị giải thích việc UBKTTU Hà Nam đóng dấu “MẬT” vào văn bản trả lời tố cáo và làm rõ: Ông Trương Quốc Huy có vi phạm Điều 8 Quy định 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về 19 điều đảng viên không được làm hay không?
Về những nội dung này, ông Trương Quốc Huy từ chối làm việc với PV vì cho rằng đã có kết luận của UBKT tỉnh Hà Nam. Còn về phía Vicem Bút Sơn, PV đã trao đổi nội dung, đặt lịch làm việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Theo Bùi An/Gia đình & Pháp luật