Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi mua chung BĐS qua ứng dụng chỉ với một vài triệu đồng

Để thu hút sự chú ý của người dân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều đơn vị đầu tư bất động sản (BĐS) đã có những hình thức kinh doanh mới, nổi bật là các ứng dụng mua chung bất động sản.

Để thu hút sự chú ý của người dân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều đơn vị đầu tư bất động sản (BĐS) đã có những hình thức kinh doanh mới, nổi bật là các ứng dụng mua chung bất động sản.

Nếu như trước đây theo cách truyền thống, 2-3 người cùng rủ nhau mua chung BĐS và đứng tên chung trên giấy tờ thì giờ đây, một căn hộ, một miếng đất nền được bên bán tự động chia nhỏ từ 50 đến 100 phần để vài chục người cùng tham gia đầu tư. Đó là cách hiểu đơn giản cho mô hình mua chung BĐS qua app.

Theo quảng cáo, mô hình có lãi suất hấp dẫn, số tiền bỏ ra lại không quá lớn, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng là có thể mua được một phần căn hộ, miếng đất. Sau khi mua xong bất cứ lúc nào, người mua cũng có thể giao bán lại phần mình đã mua trên sàn giao dịch của app với mức chênh lệch họ tự định đoạt.

"Mỗi người sẽ được mua một phần hoặc nhiều phần. Khi bán thành công căn hộ đó, lợi nhuận được chia theo số phần mình đang nắm giữ, có thể dao động từ 10-15% lợi nhuận mỗi năm. Đối với những dự án có cam kết lợi nhuận tối thiểu, không cần phải đợi bán thành công khách mới nhận được lợi nhuận. Ví dụ dự án cam kết lợi nhuận 6%/năm thì trong vòng 2 năm đầu, dù chưa bán được, khách hàng vẫn nhận được lãi suất cho mỗi năm là 6%", một môi giới BĐS chia sẻ với VTV.

"Bên em tất cả đều sử dụng hợp đồng điện tử, khi mua xong một phần bất động sản, bên em sẽ ghi nhận và gửi về địa chỉ email của khách bản hợp đồng đó".

Tuy nhiên theo VTV hợp đồng này không có công chứng, những thông tin đều từ app mà ra nên thật khó để đảm bảo độ tin cậy của những thông tin này. Nhiều chuyên gia dự đoán với mô hình mua chung BĐS qua app, nhiều người sẽ lầm tưởng mình bỏ tiền mua một phần tức là mình đã sở hữu một phần căn hộ hay miếng đất đó nhưng về mặt thực tế, họ không thể tự mình bán các BĐS đó được.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ với VTV như sau: "Họ đang hiểu các thông tin BĐS như những gì phía app và chủ đầu tư dẫn dắt, chứ thật sự về pháp lý họ đang đưa tiền cho chủ đầu tư, lời ăn lỗ chịu. Ngay cả khi dự án thành công vượt trội, họ cũng không biết lợi nhuận bao nhiêu vì không có cơ chế để được xem báo cáo kết quả kinh doanh dành cho những người góp vốn. Họ không thể cùng nhau tất toán các khoản đầu tư bằng cách bán trên thị trường vì không có một cơ sở pháp lý gì để chứng minh họ sở hữu một m2 đất nào".

Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico lại đưa ra quan điểm về pháp lý như sau: "Các sản phẩm chứng khoán hóa BĐS theo kiểu này không phải chuyện lạ, nhưng chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý. Do vậy người tham gia phải chịu rủi ro là chưa rõ ràng về cơ sở pháp lý trong bảo đảm quyền lợi của mình".

Theo các chuyên gia, đầu tư chung BĐS qua app là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam nên chưa có quy định ràng buộc rõ ràng, ẩn chứa nhiều rủi ro hơn cho bản thân nhà đầu tư. Đặc biệt, với khách hàng, nếu có xảy ra rủi ro liên quan đến dự án như dự án chưa hoàn tất thủ tục, có vấn đề về pháp lý thì không có quy định nào có thể bảo vệ được người mua một phần BĐS đó.

Nhật Anh

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục